Phát triển thị trường vốn từ Trung tâm tài chính quốc tế

Thứ Năm, 16/06/2022, 06:11

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố chiếm hơn 31% số doanh nghiệp (DN) của cả nước và lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập cùng các quỹ đầu tư và lượng kiều hồi lớn hàng năm…

Trong khi đó, quy mô của thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường trái phiếu phát triển chưa tương xứng với thị trường tín dụng, chưa trở thành kênh chuyển tải hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và tạo ra tính thanh khoản cao cho các mã chứng khoán.

Theo bà Phan Thị Thắng, thị trường tài chính cả nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng đang phát triển theo hướng thị trường tín dụng ngân hàng hơn là thị trường vốn. Mặc dù trên thị trường tài chính những năm gần đây cũng đã xuất hiện các hoạt động dịch vụ tài chính mới như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), chứng khoán phái sinh, mua bán - sáp nhập, quản lý quỹ, quản lý tài sản, ngân hàng số… nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.

tai chinh.jpeg -0
Vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vẫn phụ thuộc phần lớn vào các ngân hàng.

Thị trường vốn đang thiếu vắng các dịch vụ tài chính huy động vốn gắn với khả năng chấp nhận rủi ro cao như nguồn vốn mạo hiểm, trái phiếu xanh, hoạt động niêm yết chéo… trong khi đây là một yếu tố hết sức quan trọng đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, cấu trúc và năng lực kinh doanh của các định chế tài chính trên địa bàn thành phố còn hạn chế so với chuẩn khu vực và quốc tế.

Các yếu tố về khung khổ pháp lý, môi trường kinh doanh và vốn đầu tư còn chưa thích ứng kịp thời với sự phát triển, tạo ra không ít trở lực làm hạn chế phát triển lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đến nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất của cả nước được tổ chức Z/Yen - London đánh giá xếp hạng so với các trung tâm tài chính toàn cầu. Do đó, sau khi được chấp thuận của Trung ương, thành phố đã tiến hành xây dựng đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế với lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2030 và giai đoạn sau năm 2030.

“Với lợi thế đặc biệt nằm gần ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, có múi giờ khác biệt với 21 Trung tâm tài chính lớn trên toàn cầu, lại đi trước Hong Kong, Singapore một giờ đồng hồ, điều này cho phép TP Hồ Chí Minh tham gia vào chu trình khép kín các giao dịch tài chính toàn cầu 24/24 giờ. Đây là lợi thế riêng và đặc biệt trong thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này”, bà Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đến nay TTCK đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần, gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm trong giai đoạn 2016-2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015.

Năm ngoái, dù bị bất lợi do dịch bệnh, nhưng tổng mức huy động vốn trên TTCK vẫn đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong số này, thị trường TPDN có sự tăng trưởng cả về số lượng DN phát hành và nhà đầu tư khi tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm ngoái đạt 605 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 38,8%. Quý 1 vừa qua, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105 nghìn tỷ đồng.

Về thị trường cổ phiếu, thanh khoản năm 2021 đã tăng 2,58 lần so với mức bình quân trước đó một năm và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm nay với quy mô giao dịch đạt 31.174 tỷ đồng/phiên. Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cũng tăng rất nhanh, đạt hơn 5,2 triệu tài khoản vào cuối tháng 4 vừa qua.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đến cuối quý 1 vừa qua, quy mô thị trường vốn đạt 134% GDP năm 2021. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP và quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP. Thị trường vốn đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Từ đó góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Các cấu phần thị trường bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, là cơ sở để thị trường tiếp tục phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đây chính là cơ sở để thúc đẩy việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, đẩy mạnh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh để thúc đẩy thị trường vốn trung, dài hạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giảm rủi ro cho hệ thống tài chính, tín dụng là bước đi cần thiết trong những năm sắp tới.

Đ.Thắng
.
.
.