Phát triển thị trường trong nước làm trụ đỡ thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng
Trong bối cảnh xuất khẩu còn gặp nhiều thách thức, Bộ Công Thương nhận định thị trường trong nước cần tiếp tục được chú trọng phát triển mạnh mẽ hơn, giữ vững vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Đa dạng nhiều kênh bán hàng để tiếp cận thị trường
Ông Nguyễn Quang Quyền, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 688 Cao Bằng cho biết, chưa bao giờ mà bán hàng lại ảm đạm như hiện nay, đơn hàng xuất khẩu giảm sâu trong khi đó bán hàng trong nước tiêu thụ cũng rất chậm. Sản phẩm chủ lực của DN là chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa, bên cạnh đó công ty còn sản xuất bàn, ghế trúc và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như các loại túi xách, giỏ hoa, đồ trang trí nội thất, rèm, mành...
“DN hiện đang cắt giảm lao động, chỉ duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, vì đặc trưng của sản phẩm trúc và chiếu trúc thu hoạch theo mùa vụ, hàng không bán được nhưng đến vụ vẫn phải thu mua cho bà con nên giờ DN thiếu nhất là vốn để tiếp tục đổi mới dây chuyền, công nghệ, đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. Công ty đã tiếp cận ngân hàng nhưng chưa vay được vốn do không có tài sản thế chấp, đất nhà máy là đất thuê của Nhà nước, còn dây chuyền, thiết bị đang sản xuất thì không được tính là tài sản thế chấp”, ông Quyền nói.
Ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật - Việt (thương hiệu giày dép Vento - Hải Phòng) chia sẻ, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, Vento đã quyết định tập trung cho thị trường nội địa. Theo đó, thương mại điện tử là một kênh bán hàng hiệu quả được DN tận dụng. “Sản phẩm cần phải đạt chuẩn về mẫu mã, giá cả, tương tác… Chúng ta nghĩ rằng sản phẩm mình đẹp nhưng còn những yêu cầu về giá, mẫu mã liệu đã đáp ứng với khách hàng chưa? Đây là điều mà nhiều DN Việt Nam còn thiếu. DN muốn có đơn hàng thì không thể làm xấu được”, ông Thăng cho hay
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Herbs cho biết, hiện DN đang có 2 sản phẩm chính là trà shan tuyết cổ thụ và trà thảo mộc. Hiện, sức mua tại thị trường trong nước khá tốt. Để bán được hàng thì trước hết sản phẩm của mình phải tốt, chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp và quan trọng là uy tín và phân khúc sản phẩm mình lựa chọn để đầu tư. Với sức tiêu thụ như hiện nay, sắp tới DN đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Bà Đoàn Thanh Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX nông sản Thái Nguyên cho biết, thị trường trong nước rất tiềm năng cho các mặt hàng nông sản, để có thể cạnh tranh được trên sân nhà thì sản phẩm cũng phải đảm bảo đạt chuẩn, chất lượng ổn định, mẫu mã, bao bì hấp dẫn. Giá cả sản phẩm cũng là vấn đề DN cần đặc biệt quan tâm khi đưa ra thị trường, làm sao để đủ sức cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khi họ cân nhắc so sánh giữa các sản phẩm cùng loại.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - Vinanutrifood Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, thị trường trong nước là “miếng bánh hấp dẫn”, tuy nhiên sự cạnh tranh với hàng hoá ngoại cũng rất khó cho DN. “Chúng ta có câu “khác biệt hay là chết”, nếu như các DN trong nước muốn cạnh tranh trên thị trường nội địa thì phải có sự khác biệt, không thì phải dừng cuộc chơi. Trên thực tế, sự cạnh tranh trên thị trường nội địa rất khốc liệt giữa các DN lớn, DN nước ngoài, sản phẩm nhập khẩu cùng loại mình không làm tốt sẽ bị lấn áp ngay”, bà Hằng nói.
Trên thị trường tiêu dùng trong nước, các DN sản xuất và nhà bán lẻ đã bắt tay nhau thực hiện nhiều chương trình kích cầu mua sắm, khuyến mại, giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Theo đó, hàng hoá cũng phong phú, đa dạng hơn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn mua sắm phù hợp với túi tiền của mình. Tại các chuỗi bán lẻ của Central Retail gồm: GO!, Big C, Tops Market, siêu thị điện máy lớn, như: Hapro, BRG, Co.opmart, Aeon Mall, Winmart, MediaMart, Pico… thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hàng nghìn sản phẩm.
Thúc đẩy trụ cột “tiêu dùng”
Theo ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, các hoạt động khuyến mại không chỉ góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường, giúp người tiêu dùng mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý, mà còn là giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khẳng định thị trường nội địa là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trước tình hình xuất khẩu quá khó khăn như hiện nay thì thị trường nội địa có đầy tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Hệ thống phân phối hiện đại, thương mại online mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, tỷ trọng chiếm lĩnh chỉ từ 10 - 20%. Mặt khác, đầu vào của thị trường bán lẻ để phục vụ tiêu dùng trong nước ngày nay rất dồi dào phong phú và có chất lượng đảm bảo, lại cộng thêm với điều kiện thu mua với cự ly gần, giảm được chi phí vận chuyển, rất phù hợp với điều kiện khai thác để tiêu thụ. Đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.
Rõ ràng thị trường nội địa là “chiếc bánh” mà nhiều DN không nên bỏ qua. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong những tháng đầu năm 2023 không có biến động bất thường. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.
Trong thời gian tới, Bộ tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn, trong đó tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai kịp thời hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá trong nước thông qua Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; chú trọng những chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm nông sản.
Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ các DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu.