Phát triển sản xuất xanh, xu hướng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Thứ Năm, 16/03/2023, 08:45

Phát triển kinh tế xanh đang trở thành xu hướng tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế. Người tiêu dùng (NTD) trong nước sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua sản phẩm xanh. Còn với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK), nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe do thị trường nhập khẩu (NK) đặt ra thì sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”...

Ngành dệt may, da giày, trong thời gian qua ngoài việc đối mặt với khó khăn giảm đơn hàng tại các thị trường NK lớn thì các thị trường này cũng liên tục đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu, điều kiện sản xuất và những yêu cầu sau càng nghiêm ngặt hơn yêu cầu trước. Trong đó, nổi bật là “Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn” với tầm nhìn đến năm 2030 do EU (thị trường XK lớn của ngành dệt may, da giày) đề ra. Trong khi đó, ngành dệt may, da giày đang gia công, sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động, tài nguyên nên việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là một thách thức lớn.

Phát triển sản xuất xanh, xu hướng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu -0
Sản phẩm nông sản sử dụng bao bì thân thiện với môi trường để dễ tăng sức cạnh tranh.

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh khẳng định: Việc xanh hóa ngành dệt may, xanh hóa sản phẩm may mặc là xu hướng. Tới đây, DN dệt may phải cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh của EU, trong khi tiêu chuẩn này rất khắt khe từ trách nhiệm xã hội, môi trường làm việc cho đến môi trường xã hội và đặc biệt là cho người sử dụng. Nếu DN không đạt các tiêu chuẩn đó thì không thể XK được.

Để XK lâu dài sang thị trường EU, DN dệt may cần xây dựng mục tiêu cụ thể trong chiến lược kinh doanh có tính đến giảm phát thải carbon. Theo đó, cần tăng cường sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong hoạt động sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chú trọng xây dựng bộ máy quản lý, giám sát và tuân thủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính.

Tại hội thảo “Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) và cơ hội vươn lên trong nền kinh tế xanh” chiều 14/3, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh tế xanh là khái niệm tương đối mới trên thế giới và cũng mới được du nhập vào Việt Nam. Thế giới quan tâm đến kinh tế xanh với nguyên tắc chính là giảm thiểu tối đa rác thải độc hại, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội.

Việt Nam cũng đã triển khai khi có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh. Hiện, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có rất nhiều hiệp định thế hệ mới có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững. “Khách hàng quốc tế hiện nay không chỉ đòi hỏi giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Trong nước cũng vậy, NTD ngày càng thông thái và khắt khe hơn, ngày càng ủng hộ rộng rãi hơn với các trào lưu như tiêu dùng xanh. Đó là yêu cầu mà các DN, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời”, ông Thành nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ qua Hội nghị COP26, về việc thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển xanh trong tương lai, chúng ta càng cần phải thúc đẩy ý thức, khả năng của DN cũng như NTD theo hướng tăng trưởng xanh nhiều hơn.

Theo đánh giá của bà Phạm Chi Lan, khoảng vài năm trở lại đây có một số DN HVNCLC có ý thức và thực hiện bắt tay vào phát triển kinh tế xanh. Như Vinamilk đã phát triển một chuỗi các trang trại xanh, hay Vinamit “biến” các sản phẩm nông sản Việt Nam thành những sản phẩm xanh, sạch, an toàn để XK hoặc tiêu dùng trong nước...

NTD Việt Nam ngày càng có ý thức hơn, trong tầng lớp trung lưu và tầng lớp trẻ, nhất là thế hệ trẻ, genZ, chính là những người quyết định xu hướng tiêu dùng tương lai, là những đối tượng rất ủng hộ cho xu hướng xanh. Rất nhiều cuộc điều tra đã nhận được câu trả lời là genZ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua các sản phẩm xanh cũng như sẵn sàng tẩy chay những sản phẩm gây tổn hại đến môi trường. Như vậy, tiêu chí xanh hiện nay đã trở thành áp lực đối với các DN. DN nào tăng trưởng xanh thì có khả năng cạnh tranh càng ngày càng tốt hơn trên thương trường, cho nên xanh cũng trở thành động lực cho các DN. DN muốn tồn tại, muốn cạnh tranh được trên thị trường thì phải xanh hóa, phải là DN xanh. “Chính phủ các nước, kể cả Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách để phát triển xanh, tăng trưởng xanh. Vấn đề của chúng ta là làm sao có DN xanh, xã hội xanh, nhà nước xanh, cùng nhau bắt tay làm thì mới có được một nền kinh tế xanh của Việt Nam”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Để hỗ trợ cộng đồng DN vừa và nhỏ, các HTX, hộ kinh doanh phát huy năng lực và hiệu quả trong kinh doanh hội nhập, đặc biệt là có thể tương tác nhanh với các xu hướng xanh – tuần hoàn, trong năm 2023, Hội DN HVNCLC phối hợp cùng Cơ quan Quốc tế Mỹ (USAID), Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện “Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC)”, đây là dự án lớn nhất của chính phủ Mỹ tài trợ cho chính phủ Việt Nam.

T.Hà
.
.
.