Phát triển du lịch nông nghiệp ở châu thổ Cửu Long
Tỉnh Cà Mau đã có sự kiện du lịch “Hương rừng U Minh” năm 2023… Hiện, đất rừng U Minh Hạ vẫn đứng hàng đầu trong hệ sinh thái ngọt khu vực châu thổ Cửu Long. Đặc biệt, nơi đây còn có nghề truyền thống gác kèo ong, gắn liền với thương hiệu mật ong U Minh Hạ.
Sự kiện “Hương rừng U Minh” bắt đầu bằng chương trình khai mạc Văn hóa - Văn nghệ dự kiến diễn ra lúc 8h ngày 26/4 tại điểm du lịch sinh thái Hương Tràm (xã Khánh An, huyện U Minh), Hội thi bánh dân gian; tổ chức phiên chợ quê mang tính tự sản tự tiêu, trưng bày, buôn bán các sản phẩm địa phương, như: các loại cá đồng, rau quả, trái cây, sản phẩm đan lát... đồng thời du khách còn trải nghiệm theo chân thợ gác kèo ong vào rừng lấy mật, các hoạt động trò chơi dân gian, trò chơi giải trí, như: tát ao bắt cá, bịt mắt bắt vịt, trượt cáp xuống hồ, chạy xe đạp qua cầu ván, đi cầu lắc, đi cầu khỉ, chạy cầu phao, đua xuồng ba lá bằng tay, kéo co trên xuồng.
Bên cạnh đó có Hội chợ thương mại tổng hợp với quy từ 60 đến 80 gian hàng, trưng bày mật ong U Minh, các loại mắm, khô, gạo sạch… Du khách còn được tham gia hoạt động trải nghiệm với nhiều hoạt động hấp dẫn như: chạy xe đạp thể thao xuyên rừng, đi bộ xuyên rừng, bơi xuồng đối kháng trên sông, thi cá lóc to nhất, thi bắt lươn, câu cá... diễn ra tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ vào ngày 27/4.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, thông qua sự kiện “Hương rừng U Minh” xây dựng hình ảnh địa phương phong phú, đa dạng về tiềm năng, cũng là dịp cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư.
Bạc Liêu cũng tìm nguồn lực để khai thác những đặc trưng về văn hóa, cảnh quan khu vực nông thôn để hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Du khách có thể tham quan, trải nghiệm vườn nhãn Bạc Liêu, cách trung tâm TP Bạc Liêu 6km, trải dài gần 7km từ phường Nhà Mát đến xã Vĩnh Trạch Đông với diện tích trên 50ha. Một khung cảnh đồng quê đặc trưng của không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn, có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng, như: nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực…
Hiện, khu vực vườn nhãn Bạc Liêu đã triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhãn cổ, có cây lên đến hàng trăm năm tuổi thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Du lịch tham quan gắn dải rừng ngập mặn, sinh thái nông, ngư nghiệp kết hợp với tham quan điện gió cũng được tỉnh Bạc Liêu chú ý phát triển. Đặc biệt các dự án điện gió khu vực ven biển… Những khu vực này có thể khai thác phát triển du lịch theo hình thức khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với sinh thái nông nghiệp trực tiếp trải nghiệm cuộc sống của cư dân ven biển như: câu cá, đổ đó, bắt tôm, bắt nghêu.
Đồng Tháp nổi lên là một trong những địa phương có sự bứt phá nhanh du lịch nông nghiệp. Nhiều nông dân ở Đồng Tháp bày tỏ, họ phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, lòng tự hào với quê hương. Khi làm du lịch bên cạnh sản xuất nông nghiệp, cái họ nhận không chỉ là lợi nhuận ngay lập tức mà còn là những thông tin bổ ích qua tiếp xúc với khách du lịch...
Nơi có nhiều điểm du lịch nông nghiệp khi đến TP Cần Thơ là huyện Phong Điền. Làng du lịch Mỹ Khánh với nhiều trò chơi, món ăn hấp dẫn. Nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái, tập trung ở các ấp: Mỹ Hoà, Mỹ Nhơn và Mỹ Ái (xã Mỹ Khánh). Chủ vườn trái cây Hoàng Anh là nông dân Võ Hoàng Thanh. Vườn sinh thái này nằm cặp bờ kênh rộng 6.000m2, trồng đủ loại cây ăn trái, như: bưởi da xanh, thanh long, khóm (dứa), đu đủ, mãng cầu… Cách đó không xa là khu vườn rộng 1,2ha được ông Lâm Thế Cương (xã Mỹ Khánh) trồng và duy trì vườn ca cao hơn 60 năm qua.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, phát triển du lịch cộng đồng tại Cần Thơ phải xác định rõ chủ thể hoạt động du lịch cộng đồng chính là người dân địa phương, bản sắc văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi.