Phấn đấu xuất khẩu rau quả đạt 8 tỷ USD trong năm 2025

Chủ Nhật, 22/12/2024, 22:58

Xuất khẩu rau quả năm 2024 dự kiến đạt 7,1 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường dự báo năm 2025 sẽ đạt kỷ lục tiệm cận con số 8 tỷ USD. Song để đạt được kết quả này các chuyên gia cho rằng còn rất nhiều việc để làm.

Lý giải về dự báo con số khoảng 8 tỷ USD, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, năm 2024 ngành hàng rau, quả đã lập kỷ lục mới. Trong đó, tăng trưởng nhiều nhất là mặt hàng sầu riêng. Dự kiến, năm nay, xuất khẩu (XK) mặt hàng này sẽ thu về trên 3,2 tỷ USD. Nhờ XK sầu riêng tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái đã đẩy kim ngạch XK chung của toàn ngành tăng trên 7 tỷ USD.

“Năm 2025, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng chủ lực và Trung Quốc vẫn là thị trường XK sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% giá trị XK của loại trái cây này. Và mặt hàng chanh leo cũng sẽ là điểm sáng của ngành hàng rau quả khi mà hiện nay chiếm gần 1/3 kim ngạch XK vào EU. Kim ngạch EU khoảng 300 triệu USD/năm. Chanh leo XK vào EU chủ yếu là chế biến cấp đông. Hay, dừa chế biến như sữa dừa XK EU khá nhiều.

Phấn đấu xuất khẩu rau quả đạt 8 tỷ USD trong năm 2025 -0
Sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024.

Về sự tăng trưởng này, ông Nguyên cho rằng, đến nay, người nông dân đã được tập huấn về canh tác nên nhiều loại cây chủ lực được đầu tư trồng, diện tích cho thu hoạch tăng, theo đó, sản lượng hầu hết các loại trái cây chủ lực của cả nước đều tăng cao, chất lượng sản phẩm cũng tốt lên. Như sầu riêng, dừa, bưởi… cùng với đó, nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là Trung Quốc cùng với các Hiệp định thương mại sẽ là động lực hỗ trợ XK.

Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất sang Mỹ, còn vải thiều đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Dự báo kim ngạch XK chanh leo qua Mỹ mỗi năm sẽ đạt từ 50-100 triệu USD. Trước đó, tháng 8/2024, Việt Nam cũng đàm phán xuất chanh leo thành công qua thị trường Australia. Khi đó, chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang Australia, sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long… Do đó, năm 2025 dự báo, XK rau, quả sẽ thu về 8 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Về XK dừa, trao đổi với PV Báo CAND chiều 21/12, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Dừa Việt Nam cho hay, đến tháng 10/2024, dừa tươi XK khoảng 150 triệu USD; sản phẩm chế biến sâu cũng chiếm số lượng lớn. Trong năm dừa tươi nhờ XK sang thị trường Mỹ và thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất là trong tháng 11 và tháng 12/2024.

Năm 2024, sau khi ký nghị định thư với Trung Quốc, đơn hàng XK dừa tươi tăng mạnh, song số lượng cơ sở đóng gói và mã vùng trồng được phía Trung Quốc kiểm duyệt và công nhận chưa nhiều nên lượng XK còn hạn chế. Trong đợt 1 Hải quan Trung Quốc mới kiểm duyệt được 32 doanh nghiệp về mã vùng trồng, 12 mã cơ sở đóng gói.

Hiện, doanh nghiệp đã và đang đầu tư rất lớn nhà xưởng, vùng trồng và đang chờ sự đánh giá, kiểm duyệt đợt 2 của Hải quan Trung Quốc. Do vậy, năm 2025 doanh nghiệp qua được đợt kiểm duyệt lần 2 thì các nhà máy mới được đầu tư công suất lớn, vùng trồng đi vào hoạt động sẽ đưa trái dừa tươi XK bứt phá. Cùng với đó, các sản phẩm chế biến sâu của ngành dừa phát triển tốt sẽ giúp tăng kim ngạch khoảng 25-30%, đóng góp vào kim ngạch XK rau quả để đạt con số 8 tỷ USD trong năm 2025.

Theo ông Khoa, hiện nay, dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: Cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa). Hiện, có 25 tỉnh, thành trồng dừa và các tỉnh, thành đang xây dựng vùng nguyên liệu dừa như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bình Định, Phú Yên… Đưa cây dừa trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần đưa dừa Việt Nam trở thành mặt hàng XK với giá trị cao.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong cho biết, hiện, mã vùng trồng của công ty đang xây dựng với diện tích hơn 40 ha trên tổng số gần 200 ha vùng trồng của công ty để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Đến nay, công ty đã XK sang 10 quốc gia trên thế giới với công suất khoảng 30-40 container dừa tươi mỗi tháng. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã XK khoảng 5 triệu trái dừa tươi sang thị trường các nước. Năm 2025, khi nhà máy đi vào vận hành thì đơn hàng tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh. Theo đó, công ty dự kiến sẽ XK từ 7 triệu - 9 triệu trái dừa trong năm 2025.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đã vượt 6,6 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 65% thị phần, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản, Australia…. Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, rau quả Việt Nam có dư địa rất lớn tại các thị trường trên thế giới, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm rau quả tăng nhanh và chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập. Nhiều loại trái cây Việt Nam tiếp tục được cấp phép XK vào các thị trường tiềm năng trên thế giới. Cùng với đó, một số mặt hàng đang được doanh nghiệp chuẩn bị để gia tăng XK trong năm 2025 như bưởi, dừa, sầu riêng đông lạnh…

Song theo ông Nguyên để đạt được con số kỷ lục 8 tỷ USD, bên cạnh phát triển thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, trong đó, mở rộng vào những thị trường có thu nhập cao và đang có xu hướng “xanh hóa” tiêu dùng lên cao. Bên cạnh đó, người nông dân, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu.

“Chất lượng là yếu tố hàng đầu, người nông dân và doanh nghiệp cần phải tuân thủ và giữ vững được sự ổn định để phát triển bền vững. Để thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, giữ và gia tăng kim ngạch là cả một hành trình dài cho nên cần phải chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu... Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng XK”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trước các yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xu hướng xanh hoá, tiêu dùng xanh thì các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường… Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói XK.

Lưu Hiệp
.
.
.