Nông sản xuất khẩu sang EU cần đảm bảo chất lượng ổn định
Chiều 8/9 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thuơng mại tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu với chuyên đề: Tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh mới.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương), đã thông tin về việc sử dụng công cụ hỗ trợ phân tích thị trường và tận dụng lợi thế FTA. Trong đó, tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh mới.
Theo ông Lăng, qua 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA (1/8/2020-1/8/2023), Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. Thị trường EU là một trong những thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Nguyên nhân một phần là do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Mới đây nhất, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, luật mới sẽ được áp dụng với các sản phẩm cà-phê, ca-cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, cao-su… và các sản phẩm phái sinh, từ các nước trên thế giới. Các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.
Cùng với đó, một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10 năm nay và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Trước thực tế đó, để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, ông Đinh Sỹ Minh Lăng cho rằng, doanh nghiệp, người sản xuất cần tiếp tục thay đổi các phương thức sản xuất xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt. Để tận dụng ưu đãi thuế từ EVFTA, thì các doanh nghiệp nông sản cần phải nắm chắc về nguyên tắc xuất xứ, xem các thành phần và áp dụng quy tắc xuất xứ nào trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Bên cạnh đó DN cần phải nắm rõ các quy định mới của châu Âu như quy định về phát triển bền vững, thoả thuận xanh.
Đối với các sản phẩm xuất khẩu thì DN cần phải nghiên cứu kỹ các quy định an toàn thực phẩm của EU. Cần phải lưu ý rằng, khi hàng hóa bị kiểm tra phát hiện ra việc sử dụng các chất cấm hoặc vượt ngưỡng theo quy định của EU thì hàng hoá sẽ bị trả về, đồng thời phía EU sẽ lập tức cảnh báo trên hệ thống của toàn EU và rút các sản phẩm đó khỏi kệ hàng, trả lại, tương lai các sản phẩm này rất khó để xuất khẩu trở lại EU.
Đến thời điểm này, thị trường EU vẫn là thị trường rộng, nhiều dư địa đối với doanh nghiệp Việt.
Để xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam sang EU như tiêu, điều, cà phê thì cần phải lưu ý tới từ vùng sản xuất, vùng trồng phải là vùng trồng hợp pháp, chất lượng phải được kiểm soát, xanh sạch, thân thiện với môi trường.
Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam- Asean cũng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu. Doanh nghiệp cần phải giữ ổn định chất lượng sản phẩm, các lô hàng phải đồng đều nhau, tránh tình trạng những lô đầu tốt, những lô sau bị kém chất lượng là bị trả về và mất khách hàng. Do vậy, khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU thì cần phải giữ chữ tín, thương hiệu.
Cùng với đó, ông Remi Nguyễn,Tổng giám đốc Công ty tư vấn MLR, Phó Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Pháp tại Việt Nam ( CCIFV) cũng phân tích rủi ro về môi trường kinh doanh tại thị trường châu Âu. Đồng thời, hướng dẫn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về cải thiện quy trình nội bộ để doanh nghiệp đáp ứng mặt hàng xuất khẩu.