Nơi lưu trữ hàng ngàn giống lúa ở miền Tây Nam Bộ
Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng thuộc Khoa Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ) đã thu thập và hiện đang lưu trữ hàng ngàn giống lúa cả nước. Việc sưu tầm này nhằm bảo tồn nguồn gen, phục vụ lai tạo và tạo ra những giống lúa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo TS Huỳnh Kỳ, Phó Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, người khởi xướng cho việc làm này chính là GS-TS Võ Tòng Xuân (hiện nay là Hiệu trưởng danh dự của Trường ĐH Nam Cần Thơ). Sau đó, nhiều thầy cô tại Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (thuộc Trường ĐH Cần Thơ) tiếp tục phát triển.
“Vào khoảng năm 1972, GS-TS Võ Tòng Xuân khởi xướng thành lập “ngân hàng” giống lúa. Tiếp theo sau đó là các giảng viên, sinh viên của trường tiếp nối bằng việc đi khắp nơi thu thập. Năm 2019, “ngân hàng” giống lúa được trường giao về cho Khoa Nông nghiệp tiếp quản mà trực tiếp là Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng. Từ đây, “ngân hàng” giống lúa được đổi tên thành Phòng bảo tồn nguồn gen thực vật”, TS Huỳnh Kỳ nói.
Tính đến nay, Phòng bảo tồn nguồn gen thực vật đang lưu trữ khoảng 3.000 mẫu giống lúa khắp mọi miền đất nước như: ĐBSCL, Tây Nguyên, Tây Bắc, duyên hải miền Trung… Trong đó, có trên 1.988 mẫu giống lúa mùa, 700 mẫu giống lúa rẫy, giống nhập nội khoảng 200 mẫu, các giống lúa ngoại. Từ năm 2019, khi Khoa Nông nghiệp kế thừa đã cho ra 80-90 tổ hợp lai mới. Đặc biệt, tại đây đang lưu trữ nhiều mẫu giống như: nàng thơm chợ Đào, huyết rồng, bông sen, nếp than, tài nguyên được thu thập từ năm 1994 đến 1997.
Theo TS Huỳnh Kỳ, nhiều giống lúa mùa, lúa rẫy có khả năng chống chịu tốt, nếu lưu giữ lại sử dụng trong lai tạo, chọn tạo giống để mang gen trội. Chẳng hạn giống lúa Đốc Phụng được thu thập vào tháng 11/1994 tại Bến Tre là giống lúa mùa có khả năng chịu mặn khá tốt cũng được lưu giữ tại đây để lai tạo.
Để lưu trữ các mẫu giống lúa qua hàng chục năm thì cần đông lạnh ở nhiệt độ phù hợp. Ở Phòng bảo tồn nguồn gen thực vật có 2 kho lưu trữ nguồn giống. Kho ngắn hạn có độ lạnh ở mức 20 độ C, thời gian lưu trữ 6-12 tháng. Kho trung hạn nhiệt độ duy trì âm 5 độ C, thời gian lưu trữ trên 10 năm. Việc đóng băng có ý nghĩa quan trọng trong kéo dài sự sống cho giống lúa. Hạt lúa ở âm 5 độ C sẽ rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Khi cần sử dụng, thầy cô sẽ chuyển hạt giống sang phòng lạnh 20 độ C trong thời gian một ngày. Sau đó, hạt được để ở nhiệt độ bình thường trong vài giờ rồi mới đem đi nghiên cứu. Các hạt lúa sau khi thu thập về được sấy, phơi khô rồi đóng gói (được hút chân không) với trọng lượng 50 gram, độ ẩm phải dưới 10%. Tùy vào nhu cầu của từng giống mà chúng được lưu trữ ở kho ngắn hạn hoặc trung hạn.
Để bảo tồn những mẫu giống này, các thầy cô và sinh viên trong bộ môn sẽ kiểm tra sức sống của chúng. Theo đó, mỗi mẫu giống sẽ lấy 100 hạt ra nghiên cứu để xem sức nảy mầm. Nếu giống nào có đạt tỉ lệ sống trên 80% thì giống đó tiếp tục được cấp đông. Còn thấp hơn, giống được trồng mới lại, sau đó thu hoạch và tiếp tục lưu trữ.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó Trương Khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: “Các mẫu giống đang lưu trữ có tính thích nghi rất tốt về điều kiện mặn, phèn, ngập úng, khô hạn và chống chịu với sâu bệnh. Ngoài ra, nhiều giống có phẩm chất như nở nhiều hoặc dẻo, thơm. Vì vậy, chúng tôi sử dụng nguồn gen sẵn có trong “ngân hàng” giống lúa cho lai tạo để cải thiện tính thích nghi, phẩm chất, năng suất cho nhiều loại giống sau này để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu gạo”.