Nỗi lo về cung ứng điện chỉ tồn tại ở miền Bắc

Thứ Sáu, 26/05/2023, 18:02

Trong buổi họp báo thông tin về tình hình cung ứng điện và một số vấn đề liên quan đến điện diễn ra tại Hà Nội chiều 26/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, dự báo phụ tải những ngày tới sẽ tăng cao hơn kế hoạch đã duyệt. Tuy nhiên, miền Nam bước vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng điện sẽ sớm ổn định trở lại, nỗi lo về cung ứng điện chỉ tồn tại ở miền Bắc. Bộ Công Thương đã sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện Việt Nam đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nhu cầu sử dụng điện ngày nắng nóng tăng cao. Vào thời điểm này trong năm, lượng nước xuống thấp làm công suất sản xuất điện của các nhà máy giảm đi. Năm nay, nguồn nước về thấp, dòng chảy so với trung bình nhiều năm chỉ đạt 20%, cá biệt có nhiều hồ còn thấp hơn. Trong khi đó, nền nhiệt luôn ở mức tương đối cao. Qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải 4 tháng đầu năm tăng tương đối nhẹ. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 25/5, sản lượng trung bình ngày lên đến 818 triệu kWh, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong ngày 19/5 lập kỷ lục lên 923 kWh.

Cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, bên cạnh các yếu tố từ thời tiết, việc chuẩn bị nguồn điện cho hè năm nay gặp khó. Một số nhà máy có công suất lớn sửa chữa kéo dài như Vũng Áng 1, một tổ máy của nhà máy Phả Lại, Cẩm Phả…

Sẵn sàng các kịch bản cho cung ứng điện -0
Toàn cảnh cuộc họp thông tin về tình hình cung ứng điện và các vấn đề liên quan.

Trước tình hình trên, Thủ tướng đã họp với Bộ Công Thương và chỉ đạo bằng mọi cách đảm bảo cung ứng điện. Những giải pháp chủ chốt được đưa ra gồm: Đảm bảo vận hành các nhà máy điện, khắc phục sự cố của các tổ máy; các đơn vị phải lo đủ nhiên liệu cho phát điện, đầu tiên là cung cấp than, dầu; huy động nguồn nhiên liệu khí; điều tiết hồ chứa thủy điện một cách hợp lý; triệt để tiết kiệm điện; sớm thỏa thuận giá để đưa điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hòa vào lưới điện.

Bộ Công Thương dự báo trong thời gian tới, phụ tải sẽ tăng lên 830 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, miền Nam bước vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng điện sẽ sớm bình ổn trở lại.

"Nỗi lo về cung cứng điện chỉ ở miền Bắc. Nếu đảm bảo các tổ máy không có sự cố, vận hành tốt, nhiên liệu đủ, điều tiết các hồ hợp lý và tiết kiệm điện tốt thì chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn của cung ứng điện. Dự báo có cắt điện hay không thì chúng tôi vẫn chưa tính, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng cho các kịch bản cực đoan hơn”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Sẵn sàng các kịch bản cho cung ứng điện -0
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ tại buổi họp báo.

Về việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, sản lượng điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc tương đối nhỏ. Với Trung Quốc, Việt Nam đã mua điện từ năm 2005, còn nhập khẩu từ Lào theo chương trình của Chính phủ. Cụ thể, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, với Lào là khoảng 7 triệu kWh, Trung Quốc là khoảng 4 triệu kWh, trong khi sản lượng điện của miền Bắc lên tới 450 triệu kWh. Những nguồn này không hẳn thiếu mới nhập mà chúng ta đã mua điện từ Trung Quốc từ năm 2005 qua Lào Cai và Hà Giang, còn nhập khẩu với Lào theo chương trình của Chính phủ. Lào cơ bản là thủy điện, không chỉ nhập khẩu cho miền Bắc mà có cả ở Đà Nẵng, Pleiku. Việt Nam cũng đang xuất khẩu điện sang Lào và Campuchia. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, đây là mối quan hệ láng giềng, cũng là kết nối lưới điện liên vùng.

Sẵn sàng các kịch bản cho cung ứng điện -0
Bộ Công Thương đã sẵn sàng các kịch bản cho cung ứng điện.

“Nguồn năng lượng điện tái tạo hiện nay chiếm hàng trăm triệu kWh/ngày, chiếm 1/9 sản lượng điện cả nước. Nguồn điện này đóng góp rất lớn song thực chất sản lượng của điện gió tương đối thấp bởi còn phụ thuộc hướng gió, tốc độ gió. Sản lượng gió chỉ đạt 56% công suất dự kiến, tổng sản lượng khoảng 100 triệu kWh/ngày. Sắp tới vẫn phải có các nguồn linh hoạt để đáp ứng tỷ trọng điện trong nước", Thứ trưởng An thông tin.

Lưu Hiệp
.
.
.