Nỗi lo cuối năm doanh nghiệp thiếu đơn hàng, lao động thiếu việc

Thứ Ba, 29/11/2022, 07:22

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do thiếu đơn hàng nên hiện đang có gần 500 doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động, hoặc cho lao động luân phiên nghỉ việc. Số lao động bị ảnh hưởng đến việc làm lên đến con số hơn 630.000 người. Lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở các tính phía Nam.

Ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, cơ quan này đang nắm tình hình từ 63 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm để tới đây sẽ có báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chính phủ về bức tranh chung của tình hình việc làm.

image001.jpg -0
Dệt may, da giày, chế biến gỗ… là những ngành bị giảm đơn hàng mạnh.

Doanh nghiệp giảm đơn hàng

Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình việc làm của công nhân, người lao động ở một số doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đến hết quý I/2023. Trong khi đó, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến hết tháng 10/2022, có đến 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm. Tổng cộng, 631.329 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, 485 doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động, hoặc cho lao động luân phiên nghỉ việc do gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề giảm đơn hàng là chế biến gỗ, dệt may, da giày. Ngoài ra cũng có một số ít doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Những ngày qua, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, lao động bị ảnh hưởng việc làm chủ yếu được nhắc đến ở các tỉnh phía Nam, vậy nhưng hiện nay cũng đã có những doanh nghiệp ở khu vực khác cũng rơi vào tình trạng này.

Thời điểm này các năm trước, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa liên tục phải tăng ca sản xuất, tuyển dụng thêm lao động mới đáp ứng kịp các đơn hàng ký kết. Song năm nay, đa phần các doanh nghiệp mới ký kết được đơn hàng đủ sản xuất từ 50-60% công suất giai đoạn cuối năm. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không chỉ "ăn đong" từng đơn hàng mà còn bị ép giá.

Theo ông Vũ Văn Thành, Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Thanh Hóa, nguyên nhân dẫn đến thiếu đơn hàng là do từ tháng 9/2022 đến nay, xảy ra tình trạng lạm phát toàn cầu nên các đơn hàng may mặc đã bị cắt giảm. "Thời điểm này năm ngoái lương công nhân được khoảng 9 triệu, nhưng năm nay lương bình quân thấp xuống còn 6 triệu vì đơn hàng về giảm mạnh. Khách hàng đã thông báo về việc đầu năm 2023 sẽ cắt giảm 50% đơn hàng nên nhiều công nhân sẽ bị ảnh hưởng việc làm. Doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Thành cho biết.

Dự báo về tình trạng này, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) cho rằng việc cắt giảm việc làm của công nhân, lao động có thể kéo dài hết quý I/2023. "Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng nhưng không phải cắt giảm lao động. Bởi, những doanh nghiệp này tính toán, cân nhắc đến chi phí lao động. Nếu sa thải họ, sau này doanh nghiệp phục hồi sẽ mất nhiều chi phí tuyển dụng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy những doanh nghiệp ảnh hưởng lớn sẽ duy trì hình thức làm việc như thời COVID-19 là luân phiên, giảm giờ làm hoặc trả 70% lương cho công nhân", ông Toàn nhận định.

Ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng sa thải lao động lớn tuổi

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, hiện tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động đang xảy ra ở một số địa phương, thế nhưng vẫn đang có nhiều ngành nghề lại thiếu hụt lao động và phải đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng. "Chúng tôi đang nắm bắt tình hình từ cả 63 tỉnh thành trên cả nước và sẽ có báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chính phủ về bức tranh chung của tình hình việc làm hiện nay.

Trước mắt, Cục chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Những doanh nghiệp cắt giảm lao động lớn, phải tập trung giải quyết khó khăn cho lao động. Cùng với đó, Cục cũng sẽ chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm cũng đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm cho lao động mất việc", ông Bình cho biết.

Ông Bình cho biết thêm, Cục Việc làm cũng sẽ đề xuất đẩy mạnh đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... để tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Đề xuất Ngân hàng Chính sách tăng nguồn vốn cho vay tạo việc làm cho người lao động về quê. Cục Việc làm cũng sẽ đề xuất giải pháp theo nhiều tầng để hỗ trợ tối đa người lao động.

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, trước tình hình có nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn nắm bắt tình hình việc làm, lương, thưởng Tết tại doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chủ sử dụng lao động để thỏa thuận về lương, thưởng Tết cho công nhân, người lao động.

"Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, phải cắt giảm việc làm, thu nhập, thậm chí sa thải người lao động. Đây là vấn đề rất quan ngại và phức tạp, công đoàn đang khảo sát để nắm bắt cụ thể và chuẩn bị họp với các bộ ngành nhằm đánh giá, đề xuất giải pháp lên Chính phủ. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cũng tăng cường giám sát để ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh với chủ sử dụng lao động lợi dụng việc thiếu đơn hàng nhằm sa thải người lao động lớn tuổi, vì người lao động đã gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm, luôn chia sẻ lúc khó khăn, lúc cần người làm, giờ không thể mới chút khó khăn đã đẩy người lao động ra đường", ông Phan Văn Anh cho hay.      

Hỗ trợ tối đa người lao động tìm kiếm việc làm

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc chưa ghi nhận làn sóng cắt giảm việc, song căn cứ diễn biến trên thị trường lao động, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các nhóm đối tượng phù hợp. Trung tâm sẽ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, tập trung tối đa để hỗ trợ tốt nhất cho người lao động tìm kiếm việc làm. Các giải pháp hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sẽ giúp doanh nghiệp có thể tuyển dụng đủ lực lượng lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, còn người lao động sẽ tìm kiếm được việc làm, đảm bảo cho thu nhập, ổn định cuộc sống.

Phan Hoạt
.
.
.