Nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn dịp cuối năm
Tình trạng thực phẩm bẩn buôn bán từ trên mạng đến chợ, cửa hàng… đều được cơ quan chức năng nói là kiểm tra xử lý nghiêm, nhưng khi báo chí và cơ quan Công an phát hiện thì người tiêu dùng mới tá hỏa vì đã mua sử dụng hàng độc hại.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2024, ngành Quản lý thị trường toàn quốc đã phối hợp lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ; phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%), trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng. Trong đó, liên quan đến an toàn thực phẩm đã phát hiện, xử lý 9.074 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 57,9 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 62 tỷ đồng. Số vụ phát hiện vi phạm nêu trên cho thấy rất nhiều, tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, người dân luôn lo lắng, bất an khi sử dụng thực phẩm nhưng không biết đó là thực phẩm sạch hay bẩn. Trách nhiệm là của cơ quan quản lý mới đủ thẩm quyền và máy móc để nhận biết thực phẩm đó như thế nào. Đến cả thực phẩm bán trong siêu thị, người dân cũng không thể tin có sạch hay không.
Có mặt tại một siêu thị Co.op Mart (TP Hồ Chí Minh), tôi hỏi nhiều khách hàng đến mua thực phẩm đều được trả lời rằng thật giả cũng khó nhận biết bằng mắt thường, nhưng mua trong siêu thị cũng phần nào an tâm hơn. Chị Hồng Trinh cho biết thường mua hàng hóa tại siêu thị này và mua đại sử dụng chứ làm sao biết có sạch hay không. Tuy nhiên, mua trong siêu thị an tâm hơn mua ngoài chợ, nhưng biết mua thực phẩm sạch ở đâu bây giờ?
Còn tại của hàng Bách hóa xanh ở TP Thủ Đức, buổi chiều tối khách hàng khá đông. Từ khi phát hiện giá ngâm hóa chất lọt vào chuỗi cửa hàng này thì người dân không mua sản phẩm này nữa, còn các sản phẩm khác có thông tin đầy đủ hoặc sản phẩm tươi sống vẫn được người dân lựa chọn mua.
Kế bên cửa hàng này có chợ dân sinh là chợ Đo Đạc, cũng như bao chợ khác, thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà… bày bán không được che đậy cẩn thận. Khu vực bán sản phẩm thịt tươi sống như thịt heo, thịt gà, hải sản… lẫn với khu bán hàng hóa khác.
Vùng ngoại ô cũng không khác ở khu vực trung tâm thành phố, người bán thực phẩm tươi sống cũng bày bán tràn lan không được che đậy. Tại chợ dân sinh trên đường Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, hai bên đường bày bán đủ thứ thực phẩm sống đã giết mổ. Xe cộ qua lại bụi bay bám vào thực phẩm, nước thải người bán hàng đổ trực tiếp ra đường, tạo nên khung cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường. Một số người bán thịt heo ở đây cho biết lấy hàng từ chợ đầu mối Hóc Môn về bán, người mua thì tin người bán, chứ không thể biết được nguồn gốc thịt này như thế nào.
Bà Nguyễn Thị Thơm ở gần chợ Thới Hòa (xã Vĩnh Lộc A) cho biết, gia đình bà chủ yếu ăn cá nên bà mua cá còn sống đang bơi trong nước, còn khi nào muốn ăn thịt heo thì bà đến chợ đầu mối Hóc Môn mua. Biết là phải đi xa nhưng vào chợ đầu mối có phần yên tâm hơn là mua thịt heo ở chợ dân sinh này.
Năm 2024, tình hình vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân về an toàn thực phẩm, nhất là vào các thời điểm lễ Tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi nhận thông tin vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất độc hại lọt vào siêu thị Bách Hóa Xanh ở Đắk Lắk, Sở đã chỉ đạo kiểm tra hệ thống này trên địa bàn thành phố. Sở cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn; việc tuân thủ các quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng tại các kênh phân phối như siêu thị, chợ... đã cam kết trước đó, khi có kết quả sẽ công bố cho người dân biết. Đồng thời tăng cường nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm.
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại, vì được kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn so với kênh bán lẻ truyền thống, nhất là hàng rong, vỉa hè. Trong trường hợp nếu phát hiện thực phẩm mất an toàn tại nơi bán hàng rong thì không có ai chịu trách nhiệm, không truy xuất được nguồn gốc. Còn khi mua hàng hóa ở siêu thị, nếu xảy ra sự việc, sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm tra. Do đó, người tiêu dùng nên mua hàng hóa những nơi uy tín, được cấp phép buôn bán.