Nỗ lực ngăn chặn đường lậu
Đường lậu – buôn lậu đường đang là một trong những vấn đề nhức nhối không của riêng ai, nhất là đối với ngành sản xuất mía đường. Nhằm ngăn chặn vấn nạn đường lậu, nhiều giải pháp quyết liệt đã được triển khai trong thời gian qua.
“Đường lậu” – những nguy cơ “phủ bóng đen” lên ngành mía đường chực chờ
Mặc dù, chưa có số liệu thống kê chính thức về lượng đường nhập lậu trong thời gian qua, song theo báo cáo của Tổ chức Mía đường quốc tế (ISO), chỉ tính riêng hai nước lân cận Việt Nam là Lào và Campuchia thì lượng đường xuất khẩu không rõ nguồn gốc trong 5 năm gần đây (2015-2019) đã tăng đột biến lên khoảng từ 490.000 - 890.000 tấn/năm, tương đương với từ 30% đến trên 100% so với lượng đường sản xuất trong nước.
Theo ước tính này, chỉ riêng nguồn thuế thất thu đã lên đến con số hàng trăm tỉ đồng. Với số lượng “đường lậu” không nhỏ này, đã khiến cả ngành mía đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng chục doanh nghiệp, hàng trăm ngàn nông dân làm ăn chân chính bị đe doạ về sinh kế.
Tuy vậy, tại nhiều điểm “nóng”, “đường lậu” vẫn đang là vấn đề nhức nhối khiến cơ quan chức năng phải luôn căng mình ngăn chặn, nhất là các đường mòn – tiểu ngạch ở khu vực biên giới. Theo thống kê, năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Long An phát hiện và thu giữ khoảng 38 tấn đường cát nhập lậu, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cụ thể, ngày 15/5/2021, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục Quản lý thị trường Thành phố đã phát hiện gần 150 tấn đường không rõ nguồn gốc nằm trong các bãi xe trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, khi đã xâm nhập vào trong nước, “đường lậu” sẽ lại ngàn lẻ chiêu thức né luật, để cung cấp ra thị trường. Và rồi, lúc này chịu ảnh hưởng đầu tiên là người tiêu dùng khi phải sử dụng sản phẩm “tưởng rẻ nhưng không hề rẻ”, nhất là khi các đối tượng buôn lậu, tiêu thụ “đường lậu” ngày càng táo tợn, thay “đường lậu” thành đường trong nước nhằm tận thu lợi nhuận.
Bên cạnh nhiều lý do khách quan, thì tác động của đường lậu là không hề nhỏ đến nhà máy, nông dân và toàn ngành mía đường với những con số báo động như: tổng diện tích trồng mía vụ 2020/2021 là 152.891 ha, giảm 16,27% so với vụ 2019/20, số nhà máy hoạt động hiện tại chỉ còn 24/41 nhà máy. Sinh kế của hàng trăm ngàn người trở nên bấp bênh, trong khi các đầu nậu buôn đường giàu lên bất chính nhờ mức chênh lệch lớn.
Ngăn chặn đường lậu - Cần sự quyết liệt hơn nữa
Nỗ lực đầu tiên và quan trọng nhất cần thực hiện để ngăn chặn “đường lậu” đó chính là sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng. Trong đó, vai trò của các cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước là quan trọng nhất. Một khi đường biên được kiểm soát chặt chẽ, “đường lậu” sẽ không còn… đất sống. Do đó, các bộ, ngành địa phương cũng như lực lượng chức năng cần tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình buôn lậu, vận chuyển nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát qua biên giới, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng đường cát nhập khẩu trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường. Với công nghệ hiện tại, việc truy xuất bằng mã QR hoàn toàn có thể thực hiện đồng bộ từ đó giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng. Ví dụ thành công gần đây là việc sử dụng mã QR để kiểm soát xe luồng xanh đem lại nhiều hiệu quả khả quan. Một khi triển khai truy xuất nguồn gốc thành công, đường lậu sẽ không còn có “đất” để tồn tại và gây lũng đoạn thị trường như hiện nay.
Nhưng quan trọng hơn vẫn là có những biện pháp chế tài thích đáng đối với các đối tượng tham gia và tiếp tay cho đường lậu, kiên quyết tiến hành điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm… Cùng với đó, cần xử lý nghiêm là hoạt động mua bán hoá đơn bất hợp pháp tạo vỏ bọc cho “đường lậu” thay đổi nguồn gốc.
Nếu được thực hiện quyết liệt, “không vùng cấm”, các giải pháp trên sẽ ngăn chặn hầu như triệt để đường lậu ngay tại đường biên.
Đồng lòng cùng người nông dân tái phát triển vùng nguyên liệu
Các doanh nghiệp mía đường hiện đang phải căng sức ở cả hai đầu: vùng nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra. Trong đó, vùng nguyên liệu là yếu tố tiên quyết, không có vùng nguyên liệu thì sức đề kháng của mía đường trong nước trước vấn nạn “đường lậu” là không đáng kể.
Trước tình hình đó, doanh nghiệp cần có nhiều hơn những chính sách đầu tư lâu dài cùng nông dân, gắn kết sự phát triển của doanh nghiệp với vùng nguyên liệu. Những chính sách bao tiêu đầu ra, bảo hiểm giá thu mua nhiều vụ là một giải pháp hiệu quả đã củng cố niềm tin của người nông dân quay lại trồng mía. Cây mía có tính đa dụng, hầu hết bộ phận đều có thể đưa sử dụng, tinh chế. Do đó, việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng từ các sản phẩm cạnh đường và sau đường như: sản phẩm nước mía, ethanol, phân hữu cơ và điện sẽ tạo thêm lợi thế kinh tế cho ngành mía đường.
Đóng vai trò then chốt trong chuỗi giá trị ngành, doanh nghiệp cũng cần đầu tư xây dựng thương hiệu mạnh, tạo được niềm tin từ người tiêu dùng. Dù đường là hàng hoá nhu yếu phẩm, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cho thấy, sự đa dạng hoá và gia tăng giá trị của sản phẩm đường bằng những sản phẩm tốt cho sức khoẻ, và đây cũng là hướng đi bắt buộc của ngành Đường. Nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu mạnh, đường Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt để đánh bại được đường nhập lậu.