Nhộn nhạo hàng giả, hàng lậu ở chợ thật và chợ ảo
Ngày 26/12/2022, Cơ quan CSĐT Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam bị can Lê Xuân Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Y tế Liên Nha (Công ty Liên Nha) và Nguyễn Thị Như Nguyện (nhân viên Công ty Liên Nha) về hành vi “Buôn lậu”.
Kết quả điều tra xác định: Trong năm 2022, Công ty Liên Nha ký kết 9 hợp đồng nhập khẩu các mặt hàng vật tư nha khoa từ một công ty ở Singapore. Khoảng ngày 2/12, Công ty Liên Nha nhận được 3 hóa đơn ngoại (Invoice) và danh sách đóng gói hàng hóa (Packing List) của công ty ở Singapore xuất bán 24 danh mục vật tư nha khoa. Tổng trị giá hàng nhập là 408.137,4 đô la Sing (tương đương hơn 7 tỷ đồng). Để giảm số tiền thuế nhập khẩu phải nộp, Lê Xuân Vinh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Như Nguyện làm giả toàn bộ Hợp đồng ngoại, Invoice, Packing List, sau đó sử dụng toàn bộ tài liệu giả này để làm thủ tục khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV, thông quan ngày 15/12/2022. Với thủ đoạn nêu trên, Công ty Liên Nha đã trốn số tiền thuế nhập khẩu hơn 138 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa Công ty Liên Nha không kê khai Hải quan (tức buôn lậu) hơn 800 triệu đồng.
Tương tự, mới đây Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với an ninh sân bay Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện Ngô Thạch Hảo (SN 1989, Long An) cùng đồng phạm vận chuyển trái phép 709 chiếc ĐTDĐ nhãn hiệu Iphone các loại đã qua sử dụng từ Singapore về Việt Nam để tiêu thụ.
Bước đầu Hảo khai nhận, được thuê vận chuyển mặt hàng này từ Singapore về Việt Nam với giá 2 triệu đồng/chuyến. Từ đầu tháng 9/2022 đến khi bị bắt, Hảo đã xuất cảnh đi Singapore khoảng 12 lần để vận chuyển hàng về Việt Nam tiêu thụ. Qua giám định, số hàng hóa bị thu giữ có trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thạch Hảo về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Cũng với mặt hàng ĐTDĐ, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh phát hiện ông N.T.H đang xách chiếc vali có chứa 42 ĐTDĐ iPhone 14 các loại hiệu Apple là hàng nhập lậu, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng…
Liên tục từ đầu tháng 12/2022 đến nay, cơ quan Công an, lực lượng QLTT và các cơ quan thực thi khác đã kiểm tra, bắt giữ nhiều vụ giả mạo các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm với các sản phẩm đồng hồ, túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép… hay hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là phụ tùng xe hơi, xe máy các loại tại các “chợ phụ tùng” lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 10 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện xử lý gần 100.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có 12.275 vụ vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế, 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, đã khởi tố 380 vụ với 472 đối tượng. Riêng ngành Hải quan, phát hiện 13.720 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng...
Số liệu trên cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm tại các vùng giáp ranh, biên giới, cảng biển... nhưng vẫn không thể đẩy lùi được tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả.
Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian qua vấn nạn buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu với quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng.
Tại các địa bàn tỉnh biên giới, các đối tượng sử dụng xe ôtô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới. Trước khi vận chuyển, các đối tượng có người canh đường, khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, các đối tượng sẵn sàng vứt bỏ phương tiện, tang vật để chạy trốn... gây khó khăn cho lực lượng thực thi.
Đối với hàng giả, hàng nhái, một số đối tượng đặt hàng sản xuất ở nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ. Các đối tượng lợi dụng các website, facebook, zalo... để quảng cáo, rao bán tràn lan hàng giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Nhận định từ nay đến Tết 2023, tình hình hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đại diện ngành Hải quan cho biết sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm. Tổng cục QLTT cũng đã ban hành Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay việc mua sắm trên mạng Internet phát triển mạnh, người tiêu dùng khi mua hàng cần chú ý. Nếu phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng hóa giả, hàng nhái, kém chất lượng, cần phản ánh đến cơ quan, lực lượng chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.