Nhiều tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần tại Mỹ

Thứ Năm, 17/02/2022, 09:03

Chiếm 28,6% kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng đã vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Trong năm 2022, được dự báo doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng thị phần đối với nhiều ngành hàng. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ thị hiếu tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Mỹ đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020, Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam đạt được mốc 100 tỷ USD (sau Trung Quốc). Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020.

Năm 2021 có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD. Nhóm đạt kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị với 17,82 tỷ USD; tiếp đến dệt may 16,1 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,76 tỷ USD… Riêng nhóm hàng nông sản, thủy sản, đồ nội thất, trang trí… có vị thế quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ, bởi đây là các hàng hóa thế mạnh của chúng ta trong khi phía Mỹ lại có nhu cầu lớn.

Nhiều tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần tại Mỹ -0
Mỹ là thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng đối với trái cây Việt Nam.

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ năm 2021 ước đạt gần 8,8 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020. Còn thủy sản Việt Nam xuất sang Mỹ năm qua đạt trên 2,05 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2020. Ngay trong tháng 1-2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD.

Đối với ngành hàng trái cây Việt Nam, mới đây, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tới đây bưởi Việt Nam sẽ chính thức vào thị trường Hoa Kỳ, sau đó, trái dừa cũng được nước này xem xét cho nhập khẩu. Trong khi đó, các hoa quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô). Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Trong đó, vú sữa Kế Sách (Sóc Trăng) được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore với số lượng ngày càng tăng.

Việc trái bưởi được chính thức xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây nói chung và trái bưởi nói riêng tại thị trường này. Bộ NN&PTNT khuyến nghị doanh nghiệp nào có nhu cầu, khả năng thì nhanh chóng phối hợp với các đơn vị kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoàn tất các hồ sơ để sớm xuất khẩu trái bưởi sang Hoa Kỳ.

Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Biểu đồ cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu sang các châu lục trong năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, thì tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm. Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao.

Thị trường hấp dẫn của trái cây Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả. Hệ thống phân phối tại Hoa Kỳ đa dạng, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ. Tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Hoa Kỳ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các loại rau quả đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam. Mặt khác, tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ từ Việt Nam vẫn ở mức thấp là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này trong thời gian tới.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hoạt động xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái cây tươi sang Hoa Kỳ cũng gặp các khó khăn. Trước hết, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang như Florida, California, hay tại Mexico và các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, cũng như sản phẩm của các nước châu Á khác và sản phẩm thay thế được trồng ngay tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao, nên hàng rau quả của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được nhiều với thị trường này. Hoa quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất nhịp nhàng, hiệu quả để nâng hiệu quả xuất khẩu của các loại trái cây tươi của nước ta.

Về thị trường thực phẩm khu vực miền Tây nước Mỹ, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco Trần Minh Thắng cho hay, khu vực này tập trung nhiều siêu thị lớn, số người Mỹ gốc Việt tại đây tương đối lớn với 2,18 triệu người cùng sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Đây là thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Mỹ cũng là thị trường “khó tính” với các yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường… Bên cạnh đó, hàng Việt còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất tại Mỹ cũng như sản xuất tại các nước châu Á, Nam Mỹ, thậm chí là châu Phi.

Tổng Giám đốc điều hành Công ty Dragonberry Produce (Mỹ) Amy Nguyễn, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây cho biết, muốn xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản sang Mỹ, phải nắm rõ các quy định liên quan đến kiểm dịch động - thực vật, bảo đảm sản phẩm không vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ bảo quản sản phẩm cũng cần được nâng cấp để hàng hóa có thể vận chuyển đường dài mà vẫn tươi ngon khi đến kệ bán cho người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi thì việc đầu tư cho chế biến sẽ giúp ngành hàng rau quả tăng giá trị xuất khẩu. Vì vậy, cần phải đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả. Hiện, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Trong khi đó, giá cả, thời gian sử dụng và sự đổi mới là những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng tiêu thụ trái cây và rau quả chế biến trong thời gian tới.

Để chiếm lĩnh thị trường Mỹ, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Mỹ Bùi Huy Sơn cho rằng, doanh nghiệp cần nắm bắt tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ. Đồng thời cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm, chú trọng tính hợp pháp, sự an toàn, thân thiện với môi trường; đánh giá thường xuyên các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.

Theo ông Bùi Huy Sơn, để gia tăng xuất khẩu hàng rau quả vào thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp trong nước nên phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối tại Hoa Kỳ nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hỗ trợ chia sẻ rủi ro, nhất là giai đoạn đầu tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, xem xét việc liên kết, đầu tư kho lạnh để lập trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại một cảng nhập lớn ở Bờ Tây, sau có thể mở thêm tại Bờ Đông hoặc phía Nam, với quy mô đủ lớn, phục vụ nhiều nhóm hàng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí, tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động cập nhật, thường xuyên cung cấp thông tin, chủ động khai mở, tạo cơ hội thị trường.

Lưu Hiệp
.
.
.