Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch kết hợp họp, tổ chức sự kiện

Thứ Năm, 03/10/2024, 08:15

Tháng 9/2024, du lịch Việt xôn xao trước sự kiện đoàn khách với khoảng 4.500 thành viên một công ty dược của tỷ phú Ấn Độ sang Việt Nam du lịch. Có lẽ, đây là lần hiếm hoi, du lịch Việt đón đoàn khách du lịch lớn của quốc tế không đi theo hình thức du lịch thông thường và được coi là phép thử với du lịch MICE (du lịch kết hợp họp, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện) – “lãnh địa” được coi là còn nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Nhỏ lẻ và thiếu sự kết nối

Trao đổi quanh vấn đề phát triển du lịch MICE tại Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, du lịch MICE là hoạt động du lịch kết hợp với tham gia hội thảo, hội nghị, sự kiện, khen thưởng và triển lãm, hội chợ. Hoạt động này thường do các đơn vị (các tổ chức, cơ quan, công ty, doanh nghiệp) tổ chức dành cho nhân viên, đối tác, khách hàng. Do những lợi ích kinh tế to lớn, vượt trội mà loại hình du lịch này mang lại, từ nhiều năm qua du lịch MICE đã được coi là một loại hình du lịch, sản phẩm du lịch chuyên biệt có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Với nhiều tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, Việt Nam là một điểm đến có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch MICE. Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, hiện nay du lịch MICE của Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm đầu tư kinh doanh, nhưng vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự kết nối hệ thống ở cả khía cạnh liên ngành và liên vùng, còn hạn chế về tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh còn thua kém một số nước trong khu vực, do vậy chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển của du lịch Việt Nam như kỳ vọng của ngành du lịch.  

Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch kết hợp họp, tổ chức sự kiện -0
Đón các đoàn khách lớn của quốc tế là sự kiện của du lịch địa phương.

Phân tích thực trạng du lịch MICE tại Việt Nam, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch cho rằng, du lịch MICE ở Việt Nam đang có chi phí khá rẻ, dịch vụ ổn định. Phát triển du lịch MICE ở Việt Nam có nhiều thuận lợi như: Cảnh quan thiên nhiên đẹp, phong phú, văn hóa lịch sử đa dạng, lâu đời;  cơ sở hạ tầng du lịch khá phát triển (khách sạn hạng sang, các trung tâm hội nghị đạt tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống giao thông thuận tiện...).

Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch MICE của du khách ngày càng tăng, nhất là lượng khách tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách du lịch MICE tăng trưởng mạnh.  Quý I/2024, doanh thu và lượng khách du lịch MICE đến Việt Nam tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023…

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn thiếu chương trình phát triển du lịch MICE bài bản, chuyên nghiệp và thiếu những trung tâm tổ chức sự kiện quy mô lớn. Xây dựng sản phẩm đặc thù, liên kết các địa phương, các đơn vị du lịch xúc tiến quốc tế… chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quảng bá du lịch MICE của Việt Nam ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ.

Cần tăng đầu tư về nhiều mặt cho du lịch MICE

TS Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cho rằng, phát triển nguồn nhân lực có nghiệp vụ cao là chìa khóa cho sự thành công của ngành du lịch MICE tại Việt Nam. Thế nhưng, phần lớn nhân viên trong lĩnh vực này vẫn thiếu các kỹ năng quan trọng như quản lý sự kiện, giao tiếp đa ngôn ngữ, quản lý khách hàng và khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các sự kiện.

Đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn về quản lý sự kiện quy mô lớn còn thiếu và đặc biệt, rất ít nhân viên sở hữu các chứng chỉ quốc tế chuyên ngành như Certified Meeting Professional (CMP) hoặc Certified in Exhibition Management (CEM) - những chứng chỉ cần thiết để quản lý và tổ chức các sự kiện MICE tầm cỡ toàn cầu. Điều này dẫn đến sự chênh lệch lớn về năng lực cạnh tranh giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển như Singapore hay Hàn Quốc, những nước đã có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

Cũng theo TS Trịnh Lê Anh, hiện nay, một số trường đại học và cơ sở đào tạo tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vào chương trình đào tạo về quản lý sự kiện và du lịch MICE, nhưng các chương trình này vẫn còn khá mới và chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu của ngành. Nội dung giảng dạy chủ yếu thiên về lý thuyết, thiếu các khóa học thực tiễn và hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao tay nghề cho sinh viên và nhân viên.

Các khóa đào tạo đến từ các chủ thể khác (tổ chức, doanh nghiệp tư nhân, nhà tư vấn...) hiện nay cung cấp cho người học các kỹ năng thực hành cụ thể trong tổ chức sự kiện, nhưng chỉ thiên về cầm tay chỉ việc, đào tạo truyền nghề. Những kỹ năng quan trọng như quản lý dự án, giải quyết khủng hoảng, truyền thông sự kiện và sử dụng công nghệ số vẫn chưa được chú trọng đầy đủ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế và khiến nguồn nhân lực Việt Nam bị thụt lùi so với nhiều quốc gia trong khu vực…

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành MICE tại Việt Nam, cần có sự kết hợp giữa đào tạo chuyên sâu, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại và sự hỗ trợ từ chính phủ.

Về giải pháp cho phát triển du lịch MICE, TS Nguyễn Anh Tuấn chỉ rõ, Việt Nam cần xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch MICE; đầu tư hạ tầng, vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc trưng tại các trung tâm du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần đẩy mạnh công tác quảng bá, đầu tư phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch MICE đa dạng, mang đặc trưng riêng vùng miền.

Ông Tuấn còn đề xuất, chúng ta cần nâng cao nhận thức về du lịch MICE; tăng cường tập huấn về văn hoá ứng xử, cách hỗ trợ khách du lịch; đầu tư quy mô lớn, bài bản hơn xây dựng địa điểm tổ chức sự kiện có quy mô lớn; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch MICE và đẩy mạnh liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp.

Ngọc Nguyễn
.
.
.