Nhiều giải pháp giữ vững chuỗi liên kết hàng Việt

Thứ Năm, 09/12/2021, 08:27

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ động góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn bình thường mới.

Tại hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ động triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ thành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn bình thường mới.

Kết nối cung cầu hàng Việt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hội nghị là một trong những hoạt động triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, được tổ chức như một diễn đàn tập hợp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế nhằm thống nhất cách hiểu, cách làm trong việc giữ vững liên kết chuỗi sản xuất và phân phối, chủ động nguồn cung hàng hóa trong nước, đảm bảo chuỗi cung ứng trong sản xuất và lưu thông.

Đồng thời, hỗ trợ kết nối các nhóm nhu cầu cho các địa phương và DN sản xuất, kinh doanh duy trì sản xuất và chuỗi cung ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Qua hai phiên thảo luận về “Kinh nghiệm liên kết, giữ vững chuỗi sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới” và “Những giải pháp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ trong nước góp phần tính tự chủ của nền kinh tế và phục hồi kinh tế”, đại biểu các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, DN đánh giá cao các giải pháp phát triển thị trường trong nước lồng ghép với cuộc vận động của ngành Công Thương đã mang lại hiệu quả tích cực trong tình hình mới; không để nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn, kiểm soát được giá cả trên thị trường; và kịp thời hướng dẫn, trao quyền cho các địa phương căn cứ vào những nguyên tắc phòng, chống dịch của trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương, chủ động đề ra các giải pháp duy trì sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cũng như chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Nhiều giải pháp giữ vững chuỗi liên kết hàng Việt -0
Chủ động nguồn cung hàng hóa trong nước, đảm bảo chuỗi cung ứng trong sản xuất và lưu thông.

Ông Nguyễn Thái Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, hiện hàng Việt tại hệ thống siêu thị chiếm trên 90%, người tiêu dùng đã tin và sử dụng, mua sắm sản phẩm hàng Việt nhiều hơn. Các nhà sản xuất đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa và nghiên cứu đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị trường. Điều chỉnh sản xuất, sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Việt.

Hệ thống phân phối thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ của các tỉnh, thành, Sở Công Thương, phục vụ cho khách hàng, giá cả ổn định. Tuy nhiên, “chúng tôi vẫn mong muốn, người tiêu dùng sẽ tin yêu và sử dụng nhiều hơn hàng Việt, tự hào sử dụng hàng Việt chứ không phải là còn ưu tiên nữa. Đây là điều mà DN sản xuất, phân phối mong muốn và hướng tới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết. Cụ thể, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hoá để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và DN, hợp tác xã. Đặc biệt, việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bền bỉ, liên tục trong hơn 11 năm qua là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ và làm tăng cường thêm các mối liên kết này.

Ngay thời điểm này, để chuẩn bị hàng hóa cho giai đoạn cuối năm, các địa phương cũng tích cực liên kết với nhau. Ngày 2/12, UBND TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu giữa thành phố với các tỉnh, thành năm 2021. Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đã và đang chủ động đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, kết nối với các DN, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm, bảo đảm nguồn cung cho thị trường Thủ đô, góp phần quảng bá cho nông sản các vùng miền trên cả nước.

Nhiều giải pháp giữ vững chuỗi liên kết hàng Việt -0
Đẩy mạnh liên kết để hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm.

Doanh nghiệp nỗ lực nối liền chuỗi cung ứng

Ghi nhận sự kết nối để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa, bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho hay:

“Nhờ có sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, địa phương mà Công ty Ba Huân đã giữ vững được chuỗi cung ứng. Ngay khi chúng tôi phản ánh xe chở hàng của mình bị tắc ở đâu đó, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương luôn vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp”.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, dù tiêu thụ nội địa mới chiếm doanh thu nhỏ trong tổng doanh thu toàn ngành, song ngành dệt may đã và đang có sự điều chỉnh để thúc đẩy bán hàng qua các kênh trực tuyến và các sàn thương mại điện tử lớn. Đây là chiến lược giúp nâng cao doanh thu tiêu thụ trong nước, giảm phụ thuộc vào biến động thị trường bên ngoài.

“Kinh nghiệm từ sau đợt dịch vừa rồi cho thấy, việc làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp DN phát triển bền vững và chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Do đó, ngành dệt may đã có kế hoạch phát triển chuỗi sản xuất từ sợi, dệt nhuộm đến may, tiến tới là nhà cung cấp trọn gói đối với các khách hàng lớn”, ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.

Theo ông Vương Đức Anh, đã có thời điểm, 60 nghìn lao động ngành dệt may, chiếm 40% tổng lao động tập đoàn phải nghỉ việc trong 3 tháng. Chi phí bỏ ra để duy trì sản xuất là rất lớn. Tuy nhiên, bằng các giải pháp nỗ lực duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, giữ vững vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ chân người lao động, doanh thu của Vinatex đã vượt 30% trong quý III, lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Với toàn ngành dệt may, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 39 tỷ USD, gần tương đương với con số năm 2019.

Để chủ động thích ứng với dịch bệnh, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đề nghị DN cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài. Bên cạnh đó, nhanh chóng tái tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là những ngành thâm dụng cao như da giày, điện tử, chế biến thực phẩm..., do thời gian qua thiếu hụt, lao động chuyển dịch về quê; đồng thời có chính sách linh hoạt về giờ làm thêm, kiến nghị giảm đóng phí công đoàn, trả thêm thù lao cho lao động làm việc tại chỗ, hỗ trợ giữ trẻ cho người lao động...

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất.

Lưu Hiệp
.
.
.