Nhiều công cụ, giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Thứ Bảy, 19/03/2022, 08:13

Tại chương trình tọa đàm "Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới", do tạp chí Công Thương tổ chức vào ngày 18/3, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều công cụ, giải pháp đã và đang được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Bộ Công Thương triển khai thông qua nhiều bộ công cụ, chương trình hành động thiết thực. Trong đó, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một bộ công cụ đa dạng để thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội và sự phát triển, bộ luật này bắt buộc phải sửa đổi, dự kiến sẽ bổ sung những quy định về kinh sản xuất kinh doanh tiêu dùng bền vững, những điều liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, những người dân vùng cao… là những đối tượng rất cần phải có những quy định để bảo vệ quyền lợi của họ. Bên cạnh đó là những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong những giao dịch từ xa như giao dịch qua mạng. Công cụ thứ hai có thể thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổng đài tư vấn miễn phí 18006838. Chỉ riêng năm 2021, tổng đài đã nhận được 13.000 cuộc gọi và gần như tất cả những cuộc gọi của người tiêu dùng đều được tư vấn một cách nhiệt tình, cụ thể và có giải pháp cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) cho biết, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát quản lý địa bàn và đã xử lý rất nghiêm đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, còn có những kênh thông tin tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng và của tất cả các bên liên quan thông báo về những vi phạm trên thị trường để chúng tôi kịp thời kiểm tra xử lý. Đó là đường dây nóng 190088655 của riêng lực lượng QLTT. Tính riêng năm 2021, đường dây nóng đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc gọi đến để phản ánh. Ngoài các hoạt động trên, Tổng cục QLTT đã sử dụng những kênh truyền thông trên mạng xã hội như Youtube, Tiktok… để hướng dẫn giới thiệu cách nhận biết hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng có thể tự nhận biết, tự bảo vệ chính mình.

Những xu hướng và hành vi tiêu dùng mới đã thay đổi đáng kể nhận thức về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng thay đổi ở mọi ngành nghề, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cũng phải thay đổi đồng thời cần phải quan tâm hơn đến xu hướng sản xuất kinh doanh trách nhiệm, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ việc xây dựng các công cụ để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi.

Đồng thời chủ động biến trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

L.Hiệp
.
.
.