Nhiều chợ đầu mối, siêu thị đóng cửa nhưng hàng hóa vẫn đủ cung ứng cho Hà Nội
Trong những ngày gần đây, Hà Nội đã phát hiện một số ca F0 tại các chợ truyền thống và các nhà cung ứng đầu vào cho siêu thị dẫn tới 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa, dừng hoạt động.
Vì vậy, bên cạnh việc siết chặt quản lý phòng, chống dịch COVID-19, các nhà phân phối đã chủ động tìm nguồn cung ứng mới, chuẩn bị phương án dự phòng đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Nhân viên siêu thị “đi chợ” giúp khách hàng
Ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc siêu thị AEON Long Biên cho biết, từ ngày 2/8, AEON Việt Nam bắt đầu triển khai các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Long Biên nhằm cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương.
Các xe bán hàng lưu động duy trì tại 4 điểm: Số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng; số 125 Nguyễn Sơn; số 34 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy và số 11 Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh. Hàng hóa được cung ứng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô..., với giá bán được niêm yết rõ ràng bằng với giá bán tại siêu thị.
Nhân viên bán hàng và khách hàng đều tuân thủ quy định "5K". Bên cạnh các điểm bán hàng này, AEON Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng thành phố mở thêm các điểm bán hàng lưu động tại nhiều địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bán lẻ BRG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết, sau khi Công ty Thực phẩm Thanh Nga, một trong những nhà cung cấp thịt cho nhiều siêu thị có ca mắc COVID-19, hệ thống Hapro và BRG đã tăng lượng hàng từ các nhà cung cấp khác, như: Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hằng, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam… để bổ sung lượng hàng.
Với hàng trăm siêu thị, điểm bán hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội, BRG mart và Hapromart bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Bên cạnh bán hàng trực tuyến, BRG Mart và Hapromart cũng sẵn sàng phương án bán hàng lưu động theo yêu cầu của thành phố khi diễn biến dịch COVID-19 phức tạp.Sau khi xuất hiện ca nhiễm, công tác phòng, chống dịch, hệ thống siêu thị đã triển khai thêm giải pháp mới.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, tại siêu thị Co.opmart Hà Nội, thay vì phân luồng, chia nhóm và điều tiết số lượng khách vào bên trong mua sắm, siêu thị đã thí điểm hình thức phục vụ cố định ngay tại siêu thị giúp giảm từ 80% đến 90% nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm.
Theo đó, khách hàng đến siêu thị được bố trí ngồi tại khu vực sảnh thoáng, giữ khoảng cách an toàn. Nhân viên Co.opmart được trang bị bảo hộ đầy đủ, tư vấn danh mục hàng hóa theo yêu cầu và chủ động soạn hàng cho khách. Khách chỉ cần ngồi chờ, sau đó có thể thanh toán nhận hàng tại chỗ hoặc về nhà trước, giao hàng sau.
“Theo cách này, khách hàng đến mua sắm tại siêu thị không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau như trước đây, giúp hạn chế tập trung đông người tại các quầy thu ngân”, bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.
Sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động
Hiện nay các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán: Hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã. Sở Công Thương đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu.
Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch COVID – 19, trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên; rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất… đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô để giúp thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, giãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động.
Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai để phục vụ nhân dân, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đang rà soát lại các vùng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn để cơ cấu tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi (nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm…). Sở tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho Hà Nội qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Qua 12 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, về cơ bản, thành phố đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Trong vài ngày đầu thực hiện giãn cách, sức mua tăng bình quân tại các hệ thống phân phối khoảng 30%.
Mặc dù một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa nhưng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện. Bộ Công Thương cũng đã có phương án sẵn sàng hỗ trợ, điều chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về Hà Nội.