Nhập lậu gia súc, gia cầm kéo theo nguy cơ dịch bệnh

Thứ Ba, 24/10/2023, 08:09

Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào nước ta trong thời gian vừa qua vẫn diễn ra phức tạp, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi trong nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm đến các đàn gia súc, gia cầm... Nếu không ngăn chặn được tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm sẽ dẫn đến hệ lụy không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa.

Hơn 200.000 tấn gia cầm nhập lậu mỗi năm

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký 2 Công điện về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai của các địa phương còn rất nhiều hạn chế khiến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

e121cdf5fe8529db7094.jpg -0
Lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý buôn lậu gia cầm giống từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Thời điểm hiện nay, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ đầu năm đến ngày 16/10, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nội địa. Cụ thể: Xử phạt vi phạm hành chính trên 214 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính, gồm: 101.800 con gà vịt giống, 8.532kg sản phẩm từ gia cầm các loại.

Ông Quỳnh thông tin thêm, thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng khu vực biên giới để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã biên giới, sau đó vận chuyển bằng xe máy theo các tỉnh lộ, quốc lộ 1A về các tỉnh nội địa tiêu thụ. Các đối tượng rất manh động, thậm chí còn đâm xe vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Dự báo trong thời gian tới, tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ còn diễn biến phức tạp.

Không kiểm soát tốt nhập lậu không thể kiểm soát được dịch bệnh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, Long An có đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Svây Riêng và Prây Veng, Vương quốc Campuchia với tổng chiều dài 133km (trong đó có hơn 43km biên giới đường sông) qua 20 xã của 6 huyện, thị xã.

Theo bà Phương, về phía Campuchia, cách biên giới thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng khoảng 2km có một điểm thu gom trâu, bò hoạt động mang tính chất như chợ địa phương (thuộc xã Chàm, huyện Kumpong Trabek, tỉnh Prey Veng), là nơi người dân Campuchia trao đổi, mua bán trâu, bò với nhau. Mỗi ngày tập trung tại đây khoảng vài chục con, các trường hợp trâu, bò nhập lậu trên địa bàn huyện Tân Hưng đa số có nguồn từ chợ này.

Cư dân biên giới thường có hoạt động trao đổi, mua bán động vật qua lại biên giới, nhất là trâu, bò với mục đích để nuôi vỗ béo và sau đó bán vào nội địa. Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển trong tỉnh nên khó kiểm soát được việc trao đổi, mua bán, vận chuyển trâu, bò giữa các địa phương trong tỉnh.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, tình hình hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới của tỉnh có thời điểm vẫn còn xảy ra. Số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ vài con và không thường xuyên. Với phương thức, thủ đoạn hoạt động là các đối tượng lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, các đoạn sông biên giới hẹp hoặc khu vực biên giới đất liền vắng người qua lại, móc nối với phía Campuchia và thuê mướn cư dân biên giới chia nhỏ gia súc nhập lậu thành từng tốp 3-5 con để vận chuyển qua biên giới, sau đó sử dụng xe ôtô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, đối tượng tổ chức cảnh giới chặt chẽ nhằm tránh bị phát hiện, bắt giữ.

Nhận định vấn đề nhập lậu gia cầm chưa được đánh giá đúng tính chất, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề cốt lõi là phải kiểm soát nhập lậu. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đánh giá hết và đúng tính chất. “Không kiểm soát tốt nhập lậu không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Cùng với đó, hệ lụy là không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa”, ông Dương nói. Ông Dương nhấn mạnh, công tác kiểm tra biên giới và kiểm soát nội địa phải có sự phối hợp chặt chẽ. Các bộ/ngành, Ban chỉ đạo 389 đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng hành động thực chất thì chưa có sự quyết liệt.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, còn tình trạng trâu, bò lậu, lợn lậu, gà vịt lậu thì ngành chăn nuôi không thể phát triển. “Do đó, đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phát giác hoạt động buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm, con giống không rõ nguồn gốc để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Chi Linh
.
.
.