Người trồng hoa Tết thấp thỏm nỗi lo

Chủ Nhật, 09/01/2022, 10:15

Những ngày đầu tháng 1/2022, về những vùng trồng cúc, quất, mai nổi tiếng ở phường 9 và xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa (Phú Yên), chúng tôi thêm hiểu nỗi lo phập phồng của người trồng hoa Tết.

Đứng bên vườn quất xanh tươi trĩu quả ở thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, ông Phan Văn Hiệp cho biết, ngoài làm ruộng và làm thợ hồ, năm nào vợ chồng ông cũng đầu tư tiền bạc, công sức trồng quất Tết.

Người trồng hoa Tết thấp thỏm nỗi lo -0
Nhiều vườn hoa ở TP Tuy Hòa vẫn đang trông chờ thương lái.

Trước kia mỗi năm nhà ông trồng 800 – 1.000 chậu, đầu tháng chạp thương lái đến tận vườn để mua rồi vận chuyển đến nhiều nơi để bán, còn lại 300-400 chậu ông thuê xe đưa ra thị xã Sông Cầu, hoặc chở vô TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thuê mặt bằng bán lẻ. Năm nay dự báo người chơi hoa Tết sẽ giảm thiểu do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nên gia đình ông chỉ trồng 500 chậu. Đến nay chưa thấy thương lái đặt hàng như trước nên ông cùng nhiều người trồng hoa ở đây đều trong tâm trạng phập phồng lo âu.

Cùng tâm trạng đó, ông Nguyễn Văn Hoàng cũng ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến chia sẻ: “Chờ đợi hơn nửa tháng nay chưa thấy thương lái đến xem hoa, đặt cọc, tôi sốt ruột quá nên mới điện thoại liên hệ mấy đầu mối thân quen ở Đắk Lắk, Gia Lai để dò hỏi, chào hàng. Liên hệ 5 – 6 người mới có một thương lái chịu mua “sô” với mức giá mỗi chậu 150.000 đồng sau khi xem mấy đoạn clip và hình ảnh tôi gửi qua Zalo”.

Cũng theo ông Hoàng, với vóc dáng cây trái trong vườn quất của gia đình ông, những năm trước bán “sô” mỗi chậu phải cỡ 200.000 – 250.000 đồng. Nay giá bán tụt xuống, trừ chi phí phân thuốc, tiền chậu, tiền công chăm sóc… thì chỉ có lãi được vài triệu bạc hoặc hòa vốn nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, khó dự tính nên đành phải bán. Tại khu phố Liên Trì 2, phường 9, TP Tuy Hòa, gia đình ông Trần Hải thuê nhân công lặt lá hơn 300 chậu mai để ra hoa đúng dịp Tết.

Dù khẳng định hoa mai trong vườn nhà sẽ nở đẹp nhưng ông Hải vẫn không giấu được nỗi lo vì những năm trước thương lái từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Thuận… đã xem hoa, đặt hàng từ giữa tháng 11 âm lịch, còn năm nay đến đầu tháng Chạp rồi mà thương lái vẫn im hơi lặng tiếng. Đến thời điểm thì họ phải thuê công lặt lá, chứ chưa biết bán được bao nhiêu.

Ông Nguyễn Đồng Ghi, Chủ tịch Hội Nông dân phường 9, trao đổi rằng, thường niên có hơn 70% sản lượng cúc, quất, mai được người trồng hoa bán sỉ cho thương lái ngoài tỉnh, 30% còn lại đưa ra các chợ hoa trong tỉnh, thế nhưng năm nay sức mua có dấu hiệu giảm sút mạnh.

Nhiều người chuyên nghề trồng cúc, quất, mai ở TP Tuy Hòa cũng lo lắng, vì thông thường vào đầu tháng Chạp những năm trước thương lái các nơi đã “chốt” đơn đặt hàng và đặt cọc cho các nhà vườn, đến giữa tháng trở đi là xe tải hối hả vào làng chở cúc, quất, mai về các tỉnh, nhưng năm nay đến đầu tháng Chạp rồi mà vùng trồng cúc, quất, mai rộng hơn 110ha ở phường 9 và xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa vẫn còn trong cảnh đìu hiu, số lượng nhà vườn được thương lái đặt hàng mua cúc, quất, mai rất ít.

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, người trồng cúc, quất, mai ở TP Tuy Hòa vẫn đang phập phồng mong đợi thương lái đến mua hoa trước ngày rằm tháng Chạp để có nguồn thu nhập bên thềm Xuân mới hoặc chí ít bù đắp lại tiền bạc, công sức mà họ đã vất vả đầu tư trong suốt năm qua.           

Hữu Toàn
.
.
.