Người Đà Lạt nhổ hoa đem đốt
Ông Trần Văn Nhiên (60 tuổi, đường Võ Trường Toản, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng chói chang ngày Tây Nguyên mùa chuyển nóng, gồng mình nhổ từng gốc cúc đang bung hoa vàng rực. Phía sau, con trai ông Nhiên gom từng đống hoa ôm ra bờ đường chất đống đốt. Ngọn lửa âm ỉ cháy, nổ tí tách, khói đen bốc lên ngùn ngụt nhưng vẫn thoang thoảng mùi hương hoa cúc tháng Giêng.
Dịp Tết này, gia đình ông Nhiên đầu tư, gieo trồng khoảng 200.000 cây hoa cúc các loại. Sau hơn ba tháng, tới ngày được thu hoạch, hoa cúc bỗng tụt giá thê thảm. Tết năm nay, các loại hoa khác ở Đà Lạt cũng lâm vào cảnh ế ẩm, thậm chí giá thành còn xuống thấp hơn cả ngày thường. Khắp nơi “chợ dội hàng”, nhà vườn hốt hoảng bán tháo chỉ cầu cho hòa vốn.
Có những gia đình chuyển hoa xuống TP Hồ Chí Minh cho các đầu mối bán dưới dạng ký gửi, ngày 26 Tết chủ đầu mối gọi điện thông báo hoa không bán được, gửi hàng trả ngược. Chủ vườn chẳng còn tâm trạng để ra bến xe nhận lại hoa ế, bởi lấy về cũng chẳng biết để làm gì.
Vụ hoa cúc này, gia đình nông dân Trần Văn Nhiên chỉ bán được khoảng 100.000 cây hàng tuyển. Cúc lưới giá cao nhất dưới 19.000 đồng/bó, cúc chùm chỉ 6.000-7.000 đồng/bó. Khoảng 100.000 cây cúc còn lại phải để ngoài vườn, hạn chế cung cấp nước cho hoa phát triển chậm lại, hi vọng những ngày tới giá khá hơn thì cắt bán. Nay hoa đã già, giá cả cũng không thể khá hơn. Cha con ông Nhiên buộc phải dứt lòng phá bỏ, lỗ nặng khoảng 100 triệu đồng. Có bán thì cũng với giá rất rẻ, không đủ bù tiền thuê nhân công thu hoạch! Cho đất nghỉ vài tuần, gia đình ông sẽ xuống giống loại hoa màu khác.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng hoa ở Vạn Thành, TP Đà Lạt cho biết, để có được một sào cúc (1.000m2), nhà vườn phải đầu tư khoảng 40 triệu đồng. Với giá bán rẻ, khó tiêu thụ như dịp Tết và rằm tháng Giêng này, ở Đà Lạt, gia đình nào trồng cúc mà hòa vốn cũng là điều đáng để ăn mừng.
Đà Lạt không còn là vùng đất giữ được ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực “nông nghiệp bình dân” gắn liền với các loại hoa màu dễ trồng. Các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long cũng đã trồng được nhiều loại rau, hoa, đáp ứng được nhu cầu tại chỗ của người dân vào một số thời điểm trong năm. Sau hàng chục năm chỉ chuyên trồng rau, hoa, phần lớn thổ nhưỡng ở Đà Lạt đã lâm vào tình trạng thoái hóa, bạc màu, ô nhiễm nguồn đất và chứa nhiều mầm bệnh gây nguy hại cho cây trồng, làm gia tăng chi phí đầu tư do phải tăng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới tiêu…
Hơn nữa, giá thuê nhân công lao động trong nông nghiệp ở TP Đà Lạt thường cao hơn so với các địa phương khác, trung bình từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày, dịp Tết có thể vượt xa 800.000 đồng/ngày. Chi phí đầu tư cao, nông sản ở Đà Lạt khó cạnh tranh. “Năm nay, các loại hoa được trồng ở nơi khác giá bán rẻ hơn hoa Đà Lạt rất nhiều!..”, ông Nguyễn Xuân Hùng, lão nông trồng hoa ở Vạn Thành, TP Đà Lạt cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Bình, giám đốc một doanh nghiệp chuyên thu mua hoa ở Đà Lạt vận chuyển đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ và xuất khẩu sang Campuchia chia sẻ: “Đà Lạt cần tập trung vào các loại hoa nhập khẩu giống mới bản quyền, có giá trị kinh tế cao và giảm dần các loại hoa truyền thống. Các loại hoa phổ biến như cúc, đồng tiền… phải hạn chế, nhất là vào dịp Tết vì rất nhiều địa phương trong nước cũng trồng được!..”.