Nghiêm khắc xử lý hành vi trục lợi từ dịch bệnh
Diễn biến phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến nhu cầu thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, nhu yếu phẩm tăng cao. Lợi dụng khó khăn này, một số doanh nghiệp trục lợi từ dịch bệnh gây phẫn nộ trong cộng đồng. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Minh Phương - Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - về những giải pháp quản lý vĩ mô để tình trạng như thế này không lặp lại.
Đang kiểm tra vụ sản phẩm của Sao Thái Dương
- PV: Thưa bà, vụ việc chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh tăng giá bán một số mặt hàng cho tới Công ty CP Sao Thái Dương tăng giá phi mã thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 đã khiến người tiêu dùng phẫn nộ. Với góc độ cơ quan QLTT, bà đánh giá thế nào về hiện tượng này?
+ Bà Nguyễn Minh Phương: Đối với một số hành vi vi phạm diễn ra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP.HCM, ngày 22/7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã làm việc với Hệ thống Bách Hóa Xanh về vấn đề cung ứng hàng hóa và việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh. Lãnh đạo Hệ thống Bách Hóa Xanh cũng đã thừa nhận sai sót do áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn. Lãnh đạo hệ thống cũng đã khẳng định sẽ hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền khách hàng thêm 100.000 đồng/lần mua hàng. Đồng thời cam kết trong thời gian tới hệ thống Bách Hóa Xanh sẽ tuân thủ nghiêm theo các quy định và cố gắng ở mức cao nhất để cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Đối với một số hành vi vi phạm diễn ra tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Sóc Trăng, mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định xử phạt đơn vị này số tiền 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm bán hàng cao hơn giá niêm yết. Doanh nghiệp cũng đã chấp hành việc nộp phạt theo quy định.
Đối với vụ việc diễn ra tại Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Tổng cục QLTT đang tiến hành làm việc. Ngày 27/7 Tổng cục QLTT đã có Công văn số 1609/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch COVID. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các mặt hàng "hỗ trợ điều trị COVID-19" mà các cơ quan báo chí, các trang mạng xã hội đã thông tin trong những ngày vừa qua. Hiện, vụ việc vẫn đang trong quá trình kiểm tra. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sau khi chương trình kiểm tra kết thúc.
- PV: Đối với những trường hợp vi phạm như vừa kể trên, chế tài xử phạt ra sao, thưa bà?
+ Bà Nguyễn Minh Phương: Điều 12 của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP quy định rất rõ:
Hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nếu các hành vi này vi phạm nhiều lần; tái phạm; niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Đồng thời còn áp dụng biện pháp buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý (Điều 17 của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP).
Tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:
Hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (Khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).
Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định với các hành vi vi phạm tại Khoản 1 nêu trên mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng sẽ tương ứng với giá trị hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đặc biệt, tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội Đầu cơ: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính tùy thuộc vào giá trị hàng hóa có thể bị phạt tù lên đến 5 năm tù.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này, có mức phạt cao nhất là 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Đây là các mức xử phạt rất nghiêm minh, thể hiện tính răn đe của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Sẽ phạt nặng doanh nghiệp cố tình trục lợi
- PV: Cơ quan QLTT có giải pháp gì để không xảy ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi của một số doanh nghiệp như những vụ việc kể trên?
+ Bà Nguyễn Minh Phương: Trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết. Tập trung kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý với hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh COVID-19.
Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để người dân hiểu, không hoang mang, tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa.
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sử dụng thương mại điện tử để giao dịch, mua bán tương đối lớn, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục QLTT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin. Trường hợp phát hiện ra các vi phạm sẽ kiên quyết xử lý để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Hiện, trên website của Tổng cục QLTT tại địa chỉ www.dms.gov.vn; www.qltt.vn cũng đăng tải công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục QLTT và các Cục QLTT các tỉnh, thành phố để sẵn sàng tiếp nhận những thông tin, phản ánh của người dân về những vi phạm, đặc biệt liên quan lợi dụng dịch bệnh để thu lời bất chính trong thời gian cao điểm cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi trục lợi từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cần nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định của pháp luật để thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật, trực tiếp răn đe những đối tượng vi phạm khác góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
- PV: Trân trọng cảm ơn bà!