Ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước bàn tiếp về giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản

Thứ Ba, 07/02/2023, 15:45

Ngày mai, 8/2, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, vào 8h30 sáng 8/2, cơ quan này tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến với nội dung bàn về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 2 hội nghị để bàn cách gỡ vốn cho thị trường bất động sản đang đóng băng hiện nay.

Các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung đang mong chờ những quy định mới, nhằm “nới” các quy định cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại.

Thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng bất động sản. Năm 2023 là bản lề, mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản.

Ngân hàng tiếp tục họp để tìm cách gỡ vốn cho thị trường bất động sản -0
Thị trường bất động sản đóng băng ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Khó khăn pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Thị trường bất động sản là ngành quan trọng nhất trong nhóm 21 ngành của kinh tế. Bất động sản liên quan tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành này ổn định sẽ có lợi cho các ngành khác. Dòng vốn của ngân hàng cũng đã xác định và hướng vào ngành bất động sản chân chính.

Tại cuộc họp với Chính phủ ngày 8/2, một số doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM sẽ được mời trực tiếp dự.

Năm 2017, thị trường bất động sản có 42.991 sản phẩm được tung ra, sau đó giảm dần qua các năm còn 28.000 năm 2018, rồi 23.000 năm 2019 và năm 2020 còn 16.894 sản phẩm. Đến năm 2021 chỉ 13.849 sản phẩm được bán ra và 2022 chỉ còn hơn 12.100 sản phẩm. Tốc độ giảm quy mô lớn theo từng năm. Tình trạng này là do thiếu dự án mà nguyên nhân chính là do vướng mắc pháp lý. Nhà ở xã hội dù kế hoạch 5 năm qua đã có mà vẫn thiếu trầm trọng.

Nhận thấy tình hình khó khăn nói trên, vào cuối năm 2022, Thủ tướng đã ký các công điện liên tục để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường  bất động sản. Nghị quyết 01 hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục nhắc lại những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều thông tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, các quy định liên quan đến việc miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng như miễn giảm lãi, phí đối với người vay. Trong chuyện cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ là cực kỳ quan trọng. Bởi cái khó là không phải lãi suất cao mà không được tiếp cận vốn ngân hàng.

Ngân hàng ấn định tới đây vốn cho vay còn ít hơn. Từ ngày 1/10/2022, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đến 1/10/2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%. Do đó, kiến nghị NHNN cho giãn thêm thời gian, vì nếu tỉ lệ này xuống còn 30% từ 1/10/2023 thì có nghĩa là các NHTM sử dụng 100 đồng chỉ còn dùng 30 đồng cho BĐS. Điều đó có nghĩa, nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các doanh nghiệp đang kiệt quệ.

Cũng theo ông Châu, sắp tới, sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng thông tư riêng trong đó có cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ. Vì dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản. Dòng tiền luân chuyển có lợi cho các bên mà khởi đầu là từ các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này quay lại doanh nghiệp...

Hà An
.
.
.