Ngành hàng cá tra xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Chiều 16/12, tại TP Hồng Ngự (Đồng Tháp), Bộ NN-PTNN phối hợp cùng với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023 gắn với chuỗi sự kiện lễ hội cá tra lần thứ nhất.
Năm 2022, thủy sản là ngành hàng có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến vượt 11 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất từ trước tới nay.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết hội nghị được tổ chức tại Đồng Tháp, nơi ngành hàng cá tra đã hình thành, phát triển. Đồng Tháp hiện cũng là địa phương có diện tích, sản lượng cá tra cao nhất toàn vùng ĐBSCL.
“Năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản”, ông Tiến nói.
Ước cả năm, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 hecta (bằng 104% so với cùng kỳ năm 2021), sản lượng cá tra đạt khoảng 1,6 triệu tấn (bằng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021).
Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa Kỳ chiếm 23%. Sau khi tăng nóng trong nửa đầu năm, lượng tồn kho tăng và tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu khiến nhu cầu của Hoa Kỳ giảm.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ nhập khẩu 104,5 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh, giá trị 445 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico...
Giá xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng trung bình từ 28 - 66%. Ngành hàng cá tra đã triệt để tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội so với sản lượng. Đồng thời, sự gia tăng sản lượng trong năm đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng.
Bên cạnh những kết quả khả quan, ngành hàng cá tra vẫn còn gặp không ít khó khăn như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi đã làm một số bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện thường xuyên và khó điều trị, gây thiệt hại cho người ươm nuôi; giá thành sản xuất tăng (chủ yếu do giá thức ăn thủy sản liên tục tăng) đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi; chi phí logistics tăng.
Các thị trường Châu Âu, Châu Á, và nhất là Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác; đồng thời, kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra so với cả nước chiếm khoảng gần 40%, cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL. Đồng Tháp đã lựa chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng Tháp hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế khoảng hơn trên 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.