Ngành Dệt may đẩy nhanh tốc độ “xanh hóa” để bắt nhịp thị trường thế giới
Yếu tố “xanh” hiện không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu (XK) trọng điểm của ngành Dệt may Việt Nam. Điều này đang khiến các doanh nghiệp (DN) may mặc Việt Nam lo lắng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không thực hiện đầu tư chuyển đổi xanh hóa quy trình sản xuất và sản phẩm.
“Xanh hóa” để tìm kiếm nhiều đơn hàng
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2023, thế giới chứng kiến sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế khi căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại làm phân mảnh thương mại, lạm phát cao và sự mất ổn định tại thị trường tài chính khiến sức mua toàn cầu sụt giảm. Với sự nỗ lực vượt khó của DN, kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so năm 2022. Trong đó, XK hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương 8,9%), XK vải giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), XK xơ sợi giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3%), XK nguyên phụ liệu giảm 218 triệu USD (tương đương 16%),...
Theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, mặc dù sụt giảm về XK nhưng dệt may Việt Nam đã có sự bứt phá cả về thị trường và mặt hàng khi có tới 36 mặt hàng, sản phẩm các loại XK tới 104 thị trường các nước và vùng lãnh thổ. “Đây vốn là thách thức khi hàng loạt thị trường XK chủ lực bị đình trệ, đơn hàng giảm, buộc DN phải tìm kiếm thị trường mới, như thị trường châu Phi, sản phẩm cho các nước đạo Hồi,... Như thị trường Nga trước đây không được quan tâm nhiều nhưng năm nay đã có sự cải thiện mạnh mẽ, hay như Bangladesh là nước sản xuất dệt may nhưng Việt Nam vẫn XK được ở dòng sợi tổng hợp, sợi tái chế,...”, ông Vũ Đức Giang khẳng định.
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với DN dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Trong đó, các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy, DN sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.
Để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, các DN Việt đang đầu tư chuyển đổi hệ thống máy móc, dây chuyền hoạt động nhằm tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng mặt trời… Về nguyên liệu, họ tìm đến những đơn vị cung ứng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế. Bởi, trong xu hướng sản xuất “xanh”, DN ngành dệt may Việt Nam không còn lựa chọn nào khác mà đang phải tự sáng tạo, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện môi trường hơn, tìm giải pháp xanh hóa quy trình sản xuất. Hiện nay, nhiều loại sợi từ cà phê, sen, hàu, bạc hà đã và đang được các DN nghiên cứu cho ra đời, đáp ứng nhu cầu xanh hóa của ngành. Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối Thời trang (Faslink), những sợi vải được Faslink nghiên cứu và sản xuất như sợi bạc hà, sợi cà phê, sợi từ vỏ hàu, xơ dừa, sợi sen… đang là lựa chọn hàng đầu của các nhãn hàng.
Xanh hoá sản xuất trong ngành dệt may khá đa dạng và được DN chuyển đổi phù hợp với bối cảnh riêng, như: Chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lò hơi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên… Như Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành, xanh hoá của DN thể hiện bằng cam kết giảm phát thải CO2. Để thực hiện điều này, DN liệt kê các nguồn phát thải như lò hơi, gas, thiết bị dùng điện và tiến hành cắt giảm việc sử dụng than đá, thay bằng vỏ cây và kiểm soát năng lượng… Lộ trình giảm phát thải CO2 đòi hỏi DN đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị, tìm nguồn nguyên liệu mang tính tự nhiên hơn. Theo đó, DN đã thành công trong việc sử dụng 80% nhiên liệu xanh hóa và sử dụng 30 - 35% nguyên liệu tái chế được.
Phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, EU đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR – Trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025. Vì vậy, để củng cố thị phần XK của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, các DN Việt phải có định hướng chiến lược chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả để đón đầu các thay đổi sắp tới của thị trường, đặc biệt hai thị trường XK chủ lực của Việt Nam là Mỹ và châu Âu.
Theo các DN, khi đầu tư cho xanh hoá, chi phí của DN sẽ tăng đáng kể. Chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao gấp nhiều lần so với sản phẩm truyền thống, hay sử dụng nồi hơi điện chi phí sản xuất đã tăng lên 15-18%. Từ đó, sản phẩm đưa ra thị trường có sự cạnh tranh rất lớn về giá, gây khó khăn cho DN. Đây cũng là lực cản đáng kể cho DN dệt may bước tiếp trên con đường xanh hoá.
Trên thực tế, mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng chuyển đổi xanh là tất yếu và các DN dệt may Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó nếu muốn tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường XK. Theo ông Vũ Đức Giang, các DN dệt may đang đẩy mạnh đầu tư, có những hành động thiết thực cho một tương lai "xanh". Hiện nhiều DN dệt may đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường và năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, áp mái... “Hầu hết các DN may, sợi, dệt nhuộm đạt được các chuẩn mực trong Luật Môi trường của Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng quốc tế”, ông Giang cho biết.
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Vinatex xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài, không thể một sớm một chiều, ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ. Do đó, DN phải bám rất sát theo yêu cầu của khách hàng, cũng chính là yêu cầu của thị trường. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội, nếu chúng ta bắt kịp được sẽ nâng cao giá trị trên mỗi đầu lao động.
Đối với ngành Dệt may, lao động phổ thông có thể giảm đi nhưng lao động có chất lượng phải tăng lên, đáp ứng được yêu cầu mới về phát triển bền vững. Để làm được những sản phẩm xanh, yêu cầu theo thiết kế sinh thái mới cũng là cơ hội, vì cơ hội xuất phát từ trong những thách thức. Dệt may phải xác định phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược, từ đó chủ động nắm bắt để cố gắng bắt nhịp cùng với thị trường.