Ngành chế biến gỗ đã đón nhận đơn hàng trở lại

Chủ Nhật, 30/07/2023, 07:38

Khảo sát sơ bộ của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho thấy: Đơn hàng ở các doanh nghiệp (DN) trong ngành giảm gần  30% thời gian qua và tháng 7/2023 DN đã đón nhận lại đơn hàng.

"Mặc dù đơn hàng trở lại chưa nhiều, nhưng ngành nội thất Việt Nam hoàn toàn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu XK đề ra đầu năm 2023", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA khẳng định.

go_1-1690677529204.jpg
Doanh nghiệp đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ đã có đơn hàng trở lại từ tháng 7/2023.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều nhà máy phải giảm công suất, giảm lao động thậm chí là làn sóng trả mặt bằng, nhà xưởng.... Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Khanh, các DN chế biến gỗ một mặt tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại (XTTM) để tìm kiếm thị trường mới. Lần đầu tiên các thương hiệu lớn của thị trường nội thất Việt Nam như Trần Đức, AA, Minh Thành... ký hợp đồng mua gian hàng lớn ở các triển lãm nội thất phục vụ thị trường Dubai, do thị trường có nhiều tiềm năng. Khu vực Trung Đông đang được ví là điểm đầu tư của thập niên này và đây là vùng đất đang được quy hoạch để xây dựng các siêu dự án, tất cả đều cần nội thất phân khúc cao cấp.

Mặc dù đứng hàng đầu xuất khẩu nội thất thế giới, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng thực tế ngành nội thất Việt Nam đang thiếu tính cân bằng. Khoảng 55% xuất khẩu nội thất Việt Nam vào thị trường Mỹ, còn châu Âu là 1 trong 5 thị trường xuất khẩu chính của nội thất Việt Nam... Các thị trường này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Vì tập trung quá nhiều vào một thị trường, nên khi thị trường đó biến động thì DNXK cũng đã gặp không ít rủi ro.

Nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiều hoạt động XTTM để đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các chương trình lớn như: Chương trình XTTM quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia, các dự án hợp tác với các tổ chức XTTM nước ngoài, tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế để DN trực tiếp kết nối với nhà nhập khẩu… Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các thương vụ, tổ chức XTTM Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên, kịp thời hỗ trợ DN nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu XNK, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để có chiến lược tiếp cận thị trường, cảnh báo sớm các rào cản thương mại, chính sách bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu đến DN.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM - Bộ Công Thương cho biết, Cục XTTM có một số khuyến nghị: Các Hiệp hội về ngành gỗ chủ động phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng, lựa chọn các nhóm hàng, mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu, DN tham gia các hoạt động XTTM trong và ngoài nước, đặc biệt ưu tiên tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, thị trường có lợi thế về hiệp định tự do FTA. Các hiệp hội về ngành gỗ phải thường xuyên đánh giá nhu cầu và năng lực của DN, nắm bắt xu hướng thị trường, tăng cường phối hợp, trao đổi với các cơ quan bộ, ngành, các địa phương, tận dụng sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, để từ đó đưa ra kế hoạch XTTM phù hợp, hiệu quả...

Thúy Hà
.
.
.