Ngành bán lẻ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
Trong năm 2021, ngành bán lẻ trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, khi giảm đến 3,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Trong đó, riêng TP Hồ Chí Minh giảm đến 21,9%. Dự báo, trong năm 2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2021, Saigon Co.op đã đạt doanh số 30.671 tỷ đồng, giảm 7,8% so cùng kỳ. Công tác phát triển mạng lưới cũng bị ảnh hưởng lớn do dịch, chỉ phát triển thêm được gần 40 điểm bán mới. Riêng doanh số các kênh online (App SGC, Co.oponline, App liên kết) tăng trưởng tốt trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, cao hơn 5 lần so với trước giãn cách. Trong năm 2022, về doanh số, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ; Phát triển mạng lưới (mô hình siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại) dự kiến mở mới từ 3-5 điểm và mô hình bán lẻ nhỏ 80-100 điểm; Kiên quyết đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán hoạt động không hiệu quả.
Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại diễn ra sâu sắc, hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được dự báo có nhiều bước tiến đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ vào những cải tiến vượt bậc. Bên cạnh đó, tâm lý và xu hướng tiêu dùng thay đổi, tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2021, Saigon Co.op gặp nhiều tổn thất, đồng thời chịu sự cạnh tranh hết sức khốc liệt trên thị trường bán lẻ. Trước sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, sự thay đổi trong phương thức mua sắm đặt ra cho các nhà bán lẻ làm sao phải tổ chức lại để giữ thị phần, giữ được lợi thế đang có. Nếu không, thậm chí vị thế này còn trao cho các đơn vị khác. Vì vậy, những vấn đề nhà bán lẻ cần làm ngay là xem vai trò của người lao động là yếu tố quan trọng, góp phần tăng trưởng trong thời gian tới. Trong dịch bệnh cũng đặt ra, nếu nhà bán lẻ không chuyển đổi số, không ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong tổ chức phục vụ cho người dân thông qua phương thức TMĐT thì sẽ mất lợi thế rất lớn. Bên cạnh những kênh truyền thống, phải gia tăng hoạt động này với một hệ thống data dữ liệu, một hệ thống khách hàng đã xây dựng xuyên suốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, phương thức mua sắm sẽ thay đổi, nếu nhà bán lẻ không có tiện ích để thích ứng thì sẽ mất lượng khách hàng này. Quan trọng nữa là phải đầu tư logistics để chủ động nguồn hàng, giảm chi phí và tối ưu hóa các hoạt động, tăng sức cạnh tranh.
Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, TP Hồ Chí Minh vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng kết quả quý 1/2022 thể hiện chỉ số tương đối tích cực như: Sản xuất công nghiệp tăng 1,04%, thương mại dịch vụ vẫn còn giảm, tuy nhiên bán buôn bán lẻ tăng 4,79%, trong đó loại hình TMĐT tăng 26%. Mặc dù doanh số của Saigon Co.op so với cùng kỳ là giảm nhưng tổng quy mô bán buôn bán lẻ ở thành phố tăng so với cùng kỳ. Do vậy, bằng những tín hiệu tích cực này, rất mong các DN cố gắng cùng thành phố thực hiện các mục tiêu.