Ngăn chặn thực phẩm, hàng hóa không an toàn
Gần Tết, nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa của người dân sẽ gia tăng nên nhiều đối tượng sẽ lợi dụng tình hình này để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm để trục lợi bất chính, lừa dối người tiêu dùng. Các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển thực phẩm không an toàn đưa đi tiêu thụ để kiếm lời.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, ngày 22/12, Đội QLTT số 17 phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ôtô biển kiểm soát 29C-926.xx đang dừng đỗ tại khu vực trước cửa tòa nhà Bea Sky - đường Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Lực lượng chức năng phát hiện 8.957 sản phẩm máy hút thuốc lá điện tử và phụ kiện, có tổng trị giá ước tính khoảng 3,7 tỷ đồng. Toàn bộ số hàng hóa này có nhãn mác thể hiện do nước ngoài sản xuất, hàng hóa không rõ chất lượng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô hàng hóa trên.
Trước đó, Đội QLTT số 7, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng phương tiện vận tải là xe ôtô BKS số 89H-009xx đang di chuyển theo hướng Bắc – Nam, phát hiện trên xe vận chuyển 6.235kg thực phẩm đông lạnh các loại gồm: 1.578kg sản phẩm động vật thịt gà, thịt gà Đông Tảo, giò heo rút xương, chân gà rút xương, dồi sụn không rõ nguồn xuất xứ, trong đó nhiều sản phẩm có hiện tượng biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối; 4.581kg thực phẩm đã qua chế biến gồm gà ủ muối, thịt gà hun khói, chả cốm, chả sụn không có số tự công bố sản phẩm theo quy định, trong đó nhiều sản phẩm thể hiện sai thông tin về ngày sản xuất (ghi ngày sản xuất là 29/12/2022 hoặc 30/12/2022); 80kg váng đậu khô do Trung Quốc sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và không có số tự công bố sản phẩm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 900 triệu đồng. Theo trình bày của lái xe Nguyễn Văn Tuệ, số hàng hóa nói trên được vận chuyển từ Hà Nội đang trên đường vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.
Mặc dù lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trên thị trường, tuy nhiên, một số đối tượng vẫn mặc nhiên trà trộn các mặt hàng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, hàng giả để “tuồn” ra thị trường, bất chấp mọi thủ đoạn và sức khỏe người tiêu dùng. Thống kê của lực lượng QLTT cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, toàn lực lượng đã kiểm tra 4.331 vụ, xử lý 3.321 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 12,63 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng.
Bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm trong quá trình kiểm tra, giám sát thị trường. Tổng cục QLTT thường xuyên chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng để không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm online, Tổng cục QLTT và các cơ quan chức năng liên quan đã có kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm đối với sản phẩm thực phẩm được bán ra thị trường, nhất là trên môi trường số. Để hạn chế các hành vi vi phạm, bà Chu Thị Thu Hương cho rằng, cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cao hơn nữa để tạo tính răn đe, bảo đảm tính tuân thủ pháp luật. Cùng với đó, giải pháp trước mắt là kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật không những cho người bán mà kể cả người mua, để người mua trở thành người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, trong thời gian cao điểm từ ngày 15/12/2022 đến hết 12/3/2023 sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh/thành trọng điểm trên cả nước. Các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp từ tỉnh tới xã.