Ngăn chặn sữa giả rao bán nhan nhản trên mạng xã hội

Thứ Bảy, 09/12/2023, 08:47

Bên cạnh các thương hiệu sữa lớn quen thuộc thì gần đây trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em, người lớn, kể cả phụ nữ mang thai… nhưng xuất xứ, chất lượng sản phẩm gần như không được kiểm soát. Đặc biệt, các sản phẩm này còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, nghệ sĩ nổi tiếng... để quảng cáo khiến người tiêu dùng (NTD) tin tưởng nhưng cuối cùng lại mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Những ngày gần đây, sản phẩm sữa Yarmy Milk được rao bán rầm rộ trên nền tảng Tiktok shop thu hút hàng ngàn người đặt mua. Sản phẩm được giới thiệu là một giải pháp tăng cân an toàn, đối tượng sử dụng là trẻ em trên 3 tuổi và người lớn có thể trạng ốm yếu, biếng ăn, suy nhược, lao động nặng nhọc… hoặc người đang trong giai đoạn cần hồi phục sức khỏe, cần tăng cân. Đặc biệt, livestream quảng cáo cho sản phẩm này là một Tiktoker nổi tiếng, cam kết là đã dùng thử sản phẩm và có hiệu quả rõ rệt, kèm theo livestream quảng cáo là giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và clip Tiktoker này vào tận cơ sở sản xuất để giới thiệu, tạo thêm niềm tin cho NTD. Bên cạnh đó, sản phẩm có giá 595.000 đồng nhưng giảm còn 258.000 đồng/lon 900gr, chỉ bằng khoảng 50% các nhãn hiệu sữa khác trên thị trường, đã thu hút khách hàng đặt mua tới tấp, có đến gần 10.000 sản phẩm đã được chốt bán.

Ngăn chặn sữa giả rao bán nhan nhản trên mạng xã hội -0
Hàng thật (trái) nhập khẩu chính ngạch và hàng giả (phải) sản xuất trong nước tại gian trưng bày của Tổng cục QLTT.

Tuy nhiên, điều bất thường của sản phẩm mà NTD không để ý tới, đó là các thông tin về sản phẩm như: nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, đơn vị sản xuất... là những tiêu chí quan trọng hàng đầu nhưng không được nhắc đến. Khi sản phẩm đang bán rất chạy cũng là lúc xuất hiện ngày càng nhiều những bình luận tiêu cực, tố tiktoker bán hàng lừa đảo do sản phẩm khi uống có mùi hôi, khó chịu, buồn nôn, thậm chí nhiều người phải nhập viện. Làn sóng kêu gọi tẩy chay sản phẩm cũng đã nổ ra.

Khi bị khách hàng phản ứng dữ dội, Titoker Y. C (quảng cáo sản phẩm trên) đã có clip xin lỗi khách hàng. Theo Y.C, cách đây vài tháng khi Y.C đăng các video lên Tiktok, có một phụ nữ thấy Y.C gầy quá nên đã ngỏ ý gửi sản phẩm sữa hỗ trợ tăng cân cho cô dùng thử. Sau khi sử dụng hơn 2 tháng, cô tăng 7-8kg. Thấy hiệu quả và nhiều người cũng hỏi xin "bí quyết", lúc này Y.C mới gặp người phụ nữ nọ và được người này tư vấn sản phẩm an toàn, có giấy tờ pháp lý đầy đủ và giao cho Y.C đến 3 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. "Vì chưa có kinh nghiệm về kinh doanh cũng như kiến thức về các sản phẩm, thực phẩm chức năng nên mình không thể biết như thế nào mới là đúng quy trình. Thật sự mình thấy rất có lỗi vì đã chia sẻ đến mọi người sản phẩm mang tai tiếng. Cũng vì mình thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết nên đã dẫn đến sự việc như thế này", Y.C thừa nhận.

Một sản phẩm nữa đó là Opti Grow (lon 900gr) được giới thiệu là sữa bột dinh dưỡng cho trẻ phát triển chiều cao, trí não, hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng. Sản phẩm dành cho trẻ từ 1 đến 18 tuổi. Địa chỉ công ty cũng được ghi rõ ràng trên hộp sữa là 118/34/1 đường Liên Khu 5-6 phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm được bán trên sàn TMĐT với giá 480.000 đồng (giảm 31%) còn 329.000 đồng và cam kết chính hãng 100%, hoàn tiền 150% nếu phát hiện hàng giả. Tuy nhiên, khi kiểm tra địa chỉ công ty ghi trên vỏ hộp thì đây lại là… một trường mẫu giáo. Vì vậy, khi NTD mua sản phẩm này, muốn khiếu nại cũng không biết đâu mà lần.

Với TMĐT bùng nổ thì việc bán hàng trên các sàn TMĐT hay các trang mạng xã hội, đặc biệt là nền tảng Tiktok đang là lựa chọn của những người kinh doanh. Tuy nhiên, trên nền tảng trực tuyến thì các đối tượng cũng lợi dụng chào bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Hầu hết các livestream bán hàng đều quảng cáo sản phẩm có đầy đủ tem chống giả, có giấy kiểm định chất lượng, giá rẻ, nhiều quà tặng giá trị... để thu hút cho NTD ấn nút mua sản phẩm.

Ngăn chặn sữa giả rao bán nhan nhản trên mạng xã hội -0
Sữa giả bị QLTT TP Hồ Chí Minh phát hiện, đưa đi tiêu hủy.

Với mặt hàng sữa, hàng giả chủ yếu có 2 hình thức: Các đối tượng sản xuất giả vỏ hộp, sữa bên trong là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, chất lượng; một dạng khác là sử dụng vỏ hộp của các nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng tráo đổi bên trong là sữa kém chất lượng. Trước đây, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã từng phát hiện một số cơ sở sản xuất sữa giả nhãn hiệu nổi tiếng như Ensure gold, Glucerna, Ensure grow... bằng cách sử dụng vỏ hộp sữa được thu mua từ các vựa ve chai, sau đó vệ sinh rồi đóng sữa bột vào hộp và đóng date (hạn sử dụng) mới, đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng bán tràn lan trên online, ngày 11/10 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng đã mở không gian trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, để người dân dễ dàng tiếp cận và được hướng dẫn các thông tin cần thiết để phân biệt được sản phẩm thật - giả. Trong hơn 500 sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng trưng bày, trong đó có nhiều sản phẩm sữa bị làm giả như: sữa hiệu Glucerna, Abbott Grow, PediaSure, Ensure Gold...

Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục QLTT khẳng định, tình trạng vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm ngày một phức tạp, tinh vi hơn, diễn ra trực tiếp và cả trên môi trường mạng. Các đối tượng kinh doanh online lập ra nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn bỏ tiền thuê các cá nhân có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để livestream (phát trực tiếp) bán hàng cho mình, từ đó có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày.

Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc... các lực lượng kiểm tra gặp nhiều khó khăn như: Các đối tượng vi phạm ngày càng có trình độ, chuyên nghiệp và sử dụng các thiết bị, công cụ hiện đại trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm hiện nay không chỉ xảy ra trong hoạt động kinh doanh truyền thống mà dần dịch chuyển nhiều sang môi trường kinh doanh online, trong khi đó, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn chưa kịp thời và tồn tại nhiều bất cập.

Trước thực trạng đó, ông Trần Văn Dũng kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cũng như cơ chế liên thông, trao đổi dữ liệu cơ sở giữa các bộ, ngành. Loại bỏ những quy định lạc hậu, chồng chéo, không đúng thẩm quyền để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cũng như rà soát, sửa đổi quy định về TMĐT nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn TMĐT trong việc kiểm soát hàng hóa giao dịch trên TMĐT. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định nhằm truy xuất hiệu quả các thông tin về người bán, giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trên TMĐT, biện pháp xử lý khẩn cấp vi phạm trên môi trường mạng.

Thúy Hà
.
.
.