Nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng cá tra Việt Nam
Nâng cấp giống, giảm chi phí sản xuất, phát triển thị trường để nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng cá tra là các giải pháp được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại tỉnh An Giang, vào ngày 15/12.
Ước tính năm nay, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700ha (bằng 98% so với cùng kỳ năm ngoái); sản lượng cá tra ước khoảng 1,60 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ đạt 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm có xu hướng giảm như: Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%; riêng thị trường các nước: Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây lại là những thị trường chiếm tỉ trọng nhỏ.
Năm nay, tình hình bất ổn và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm các tra có xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn… Ngoài ra, một số nước láng giềng của Việt Nam đã phát triển sản xuất cá tra; sản phẩm cá tra của Việt Nam còn đơn điệu... Bên cạnh đó, ngành hàng cá tra Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi công đoạn giống, nuôi thương phẩm như: Thức ăn chiếm tỉ trọng lớn (70-80%) trong giá thành sản xuất. Một số cơ sở sản xuất giống chưa quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ trong quá trình sản xuất giống, chưa tuân thủ đúng thời hạn sử dụng cá bố mẹ, tỷ lệ sống giai đoạn ương dưỡng còn thấp. Một số địa phương chưa thực hiện cấp giấy xác nhận nuôi cho các cơ sở nuôi nhỏ lẻ theo quy định…
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT thông tin, Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn cá tra/năm và đã xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar… Trung Quốc và Bangladesh cũng đã bắt đầu nuôi từ đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu và tăng sự cạnh tranh của con cá tra của Việt Nam.
Bà Tâm cho rằng, chất lượng giống sẽ là cái gốc của chuỗi cá tra, giải quyết được con giống thì sẽ giúp tăng tỷ lệ sống, tăng hiệu quả sản xuất. Người nuôi cần giảm chi phí sản xuất. Ba vấn đề, giống - giảm chi phí - thị trường là định hướng trong tương lai gần của ngành hàng cá tra. Dự báo sản lượng cá da trơn/cá tra năm 2024, sẽ tăng 2,8% so với năm nay. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm tới không cao như kỳ vọng... Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, thời gian tới, nhất là năm 2024, cần tiếp tục nâng cao chất lượng giống cá tra. Mặc khác, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường. Cũng cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Đặc biệt, phải tận dụng một cách có hiệu quả phụ phẩm cá tra, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước, hướng tới các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học. Mở rộng thị trường cần thực hiện các quy định về chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của các thị trường quốc gia Hồi giáo…