Nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Chủ Nhật, 28/04/2024, 07:28

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

Nhiều mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại

Thống kê của Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến nay, hàng hóa XK của Việt Nam đã bị hơn 20 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM với tổng cộng 242 vụ việc PVTM. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch XK lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch XK nhỏ hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra PVTM. Theo đó, cứ 5 năm 1 lần, số lượng các vụ việc về PVTM tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ. Đáng chú ý, các vụ điều tra "kép" tăng lên (điều tra hành vi trợ cấp và hành vi bán phá giá trong cùng một vụ việc). Nếu trước đây chỉ có Hoa Kỳ thực hiện thì nay các nước Ấn Độ, Canada, Australia cũng chuyển sang điều tra kép đối với hàng hóa XK của Việt Nam.

Nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam -0
Cần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trước các biện pháp phòng vệ thương mại được các quốc gia trên thế giới áp dụng.

Theo báo cáo thường niên PVTM năm 2023 của Cục PVTM mới công bố, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM. Theo thống kê của WTO, tính đến hết tháng 12/2023, Hoa Kỳ đã điều tra 59 vụ việc PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng XK của Việt Nam. Năm 2023, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá (CBPG), 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp (CTC) và 2 vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM (CLT). Các mặt hàng bị điều tra đa dạng, gồm các sản phẩm như nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm... Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp PVTM đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế CTC với lốp xe, rà soát hành chính thuế CBPG với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó có xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam).

Với thị trường Canada, tính đến hết tháng 6/2023, Canada đã điều tra 18 vụ việc PVTM với hàng XK của Việt Nam. Hiện nay, Canada đang áp dụng thuế với 7 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: Ống thép hàn cacbon, thép cán nguội, thép cốt bê tông, khớp nối bằng ống đồng, thép tấm chống ăn mòn, ống đúc dẫn dầu và ghế bọc đệm. Trong năm 2023, Canada không điều tra mới mà chỉ tiến hành rà soát đối với một số sản phẩm đang thuộc diện áp dụng biện pháp PVTM. Trong khi đó, kể từ sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Mexico đã điều tra 3 vụ việc CBPG với Việt Nam, gồm: Thép mạ (khởi xướng năm 2021), thép cuộn cán nguội (khởi xướng năm 2022) và dây hàn (khởi xướng năm 2023).

Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm

Phân tích nguyên nhân khiến hàng hóa XK của Việt Nam bị điều tra PVTM ngày càng nhiều, Cục PVTM cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mở, đặc biệt là khi Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho XK. Tuy nhiên, sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng đã làm cho nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển áp dụng các biện pháp PVTM với tần suất cao hơn. Đáng chú ý, cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch XK trong thời gian qua, hàng hóa XK của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Thực tế hiện nay, các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn. Các nước đang có xu hướng thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, DN bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp, khó khăn hơn trong ứng phó, xử lý.

Nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam -0
Các biện pháp phòng vệ thương mại được các quốc gia trên thế giới áp dụng đã đặt ra những thách thức mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trước số lượng vụ điều tra PVTM gia tăng, nhằm bảo vệ lợi ích của hàng hoá XK, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để DN chủ động xây dựng phương án xử lý; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho DN; xem xét khiếu nại các biện pháp PVTM của cơ quan điều tra nước ngoài theo cơ chế giải quyết tranh chấp nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO. Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều DN, mặt hàng XK không bị áp thuế PVTM hoặc được hưởng mức thuế thấp (với các mặt hàng như tôm, cá tra - basa, một số sản phẩm thép, ván gỗ MDF…), góp phần duy trì tăng trưởng XK, nhất là sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada. Đơn cử như trong vụ việc chống bán phá giá với mật ong, Hoa Kỳ đã điều chỉnh thuế chống bán phá giá dành cho các DN Việt Nam từ mức trên 400% trong quyết định sơ bộ xuống gần 7 lần trong quyết định chính thức giúp ngành mật ong có thể tiếp tục nỗ lực duy trì XK sang Hoa Kỳ, đảm bảo sinh kế của gần 4 vạn người nuôi ong. Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, với đà tăng trưởng XK như hiện nay, các ngành hàng sản xuất, XK của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ bị gia tăng điều tra PVTM trong thời gian tới, đặc biệt là điều tra chống lẩn tránh thuế, từ nhiều thị trường XK khác nhau. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp và khó khăn hơn trong việc ứng phó, xử lý. Theo đó, DN Việt Nam phải tuân thủ luật chơi của thị trường, để từ đó có sự chủ động phòng, tránh các biện pháp PVTM. Đồng thời, DN phải có những thay đổi kịp thời về hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuân thủ chặt chẽ các quy định, yêu cầu của thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Phan Đức
.
.
.