Mở rộng xuất khẩu sang thị trường Vân Nam -Trung Quốc

Chủ Nhật, 19/02/2023, 09:05

Trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu (XK) sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022 và dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 từ ngày 8/1/2023, hoạt động XK của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã có nhiều thuận lợi.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Mở rộng xuất khẩu sang thị trường Vân Nam -Trung Quốc -0
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng với nông sản, thủy sản Việt Nam.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, đối với thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng thị trường Vân Nam. Lý giải sự tập trung cho thị trường này, bà Oanh cho rằng, Quảng Tây và Vân Nam dân số ngang nhau, khoảng 50 triệu dân, nhưng quy mô thương mại của Việt Nam với Vân Nam 2022 mới chỉ đạt 3,2 tỷ USD, chiếm 10,8% quy mô thương mại Việt Nam với Quảng Tây (tức là 3,2 tỷ USD so với gần 30 tỷ USD).

Để tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đề nghị phía Vân Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam đẩy mạnh XK nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch đặc biệt là các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào. "Về phía Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam và các địa phương của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng hóa của DN tỉnh Vân Nam và các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam (Trung Quốc) sang nước thứ 3 qua các cảng biển Hải Phòng và Quảng Ninh", ông Vũ Bá Phú khẳng định.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất về hoa quả của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022. Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. Do vậy, không chỉ gia tăng giá trị XK, chúng ta cần phải hướng đến XK bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này. Bởi, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng với nông sản, thủy sản Việt Nam.

Bắt kịp và thích ứng với thị trường Trung Quốc sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt không chỉ giữ được đối tác quan trọng này mà còn có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc. DN phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường. Đặc biệt, cần đẩy mạnh XK từ tiểu ngạch sang chính ngạch.  

Lưu Hiệp
.
.
.