Mở cửa du lịch đáp ứng xu thế mới sau đại dịch COVID-19

Chủ Nhật, 03/04/2022, 09:07

Tại tỉnh Bạc Liêu vừa diễn ra Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022.

Theo các đại biểu, hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hoá sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng. TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả… sau đại dịch COVID-19.

Mocua_1-1648951637760.jpg
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ).

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh (Tổ trưởng tổ giúp việc Chương trình), cho biết: “Trong giai đoạn 2019-2022, 14 địa phương bước đầu hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết, gồm: “Những nẻo đường phù sa”, “Non nước hữu tình” và “Sắc màu vùng biên”. Các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng hơn 50 chương trình du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành ÐBSCL. 14 địa phương cũng phối hợp xây dựng các chính sách kép về kích cầu du lịch với mức kích cầu phổ biến là từ 10-20% giá dịch vụ”.

Theo bà Hoa, chỉ riêng giai đoạn đầu năm 2020 (thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát), hệ thống lữ hành ở TP Hồ Chí Minh đã đưa trên 152.000 du khách đến ÐBSCL. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động trong liên kết. Một số nội dung dự kiến triển khai theo kế hoạch phải tạm ngưng, hoặc chỉ trong phạm vi nhỏ, với các hoạt động theo phương thức thông tin, họp trực tuyến, nhiều hoạt động bị hủy bỏ...

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Cả 14 địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết cũng như chú trọng đến việc xây dựng những liên tuyến sản phẩm mới. Các sản phẩm du lịch liên tuyến cần đặc sắc, hấp dẫn hơn và phải bảo đảm an toàn cho du khách”. Các sản phẩm cần được chú trọng là du lịch bằng đường thủy kết hợp phương tiện đường bộ, sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ. Ðó là lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy…

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, việc liên kết phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL. “Một số tuyến đường cao tốc được triển khai góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch (điển hình là tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa vào sử dụng. Ông Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống, dịch đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; tăng cường liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách; thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch..

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu sẽ tiếp tục cùng các địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết, phối hợp trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Còn ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau đã có chương trình “Cà Mau điểm đến năm 2022” nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các điểm nhấn đặc trưng được xác định qua các hoạt động, như: đua vỏ lãi trên bãi bồi Ðất Mũi; đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu; xác lập kỷ lục đối với tổ ong lớn nhất Việt Nam; thưởng thức các món ăn chế biến từ cua biển ngon nhất miền Tây…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, nhiều nội dung cụ thể trong thỏa thuận hợp tác đa phương đã được phối hợp triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy du lịch vùng chuyển biến tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và người dân của 14 địa phương trong liên kết.

Trong chuỗi sự kiện khánh thành Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ; lễ Giỗ tổ Hùng Vương; Liên hoan Ðờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 3 và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2022 (từ ngày 6 đến 11/4), TP Cần Thơ sẽ tổ chức chương trình tham quan du lịch hưởng ứng các sự kiện trên. Chương trình tham quan sẽ tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu qua các loại hình, như: du lịch sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…

Đức Văn
.
.
.