Mạnh tay xử lý hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thị trường trong nước và cả hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy, vấn đề này vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Phát hiện thủ đoạn mới, phù phép cho hàng hóa vi phạm
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên vừa ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” do Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hưng Yên chuyển giao.
Trước đó, ngày 17/5, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Hưng Yên) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Hưng Yên) phát hiện 2 kho chứa nước giặt ghi nhãn hiệu D-nee, nước xả vải ghi nhãn hiệu Hygiene, nước rửa chén ghi nhãn hiệu Tauau và nhiều loại máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, tem nhãn, bao bì… dùng để pha chế, sản xuất các loại nước giặt, nước xả, nước rửa chén nói trên.
Kết quả xác minh xác định toàn bộ số hàng hóa là các can nước giặt ghi nhãn hiệu D-nee, nước xả vải ghi nhãn hiệu Hygiene, nước rửa chén ghi nhãn hiệu Tauau là hàng giả, do Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ H.V sản xuất. Tiếp đó, ngày 21/8, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 7.070 đôi giày thể thao gắn nhãn hiệu NIKE, 170 đôi giày thể thao gắn nhãn hiệu ADIDAS và nhiều máy móc, nguyên phụ liệu, tem nhãn… dùng để sản xuất giày thể thao tại kho ở thôn Trung Châu, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Kết quả xác minh xác định toàn bộ số giày thể thao là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, do ông N.V.T mua các loại máy móc, nguyên phụ liệu, tem nhãn,… về tổ chức sản xuất.
Thông tin từ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 2/10, Đội 4 (Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Cục Hải quan tỉnh Long An kiểm tra thực tế đối với lô hàng quá cảnh của Công ty TNHH T.M.L (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) đứng tên trên khai hải quan và vận chuyển. Kết quả kiểm tra, phát hiện 12 túi xách tay hiệu HERMÈS không khai báo hải quan. Theo đó, trên sản phẩm ghi thông tin: HERMÈS, PARIS, Made in FRANCE; mỗi sản phẩm đều được đựng trong túi vải có logo của nhãn hiệu HERMÈS. Tại thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa, đại diện Công ty TNHH T.M.L. không cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc ủy quyền xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa nhãn hiệu HERMÈS của chủ sở hữu nhãn hiệu HERMÈS đã được bảo hộ tại Việt Nam. Do nghi ngờ hàng hóa là hàng giả mạo nhãn hiệu HERMÈS, cơ quan Hải quan và đại diện Công ty TNHH T.M.L. đã lấy mẫu giám định hàng hóa. Kết quả giám định mới đây cho thấy, toàn bộ 12 túi xách tay hiệu HERMÈS là hàng giả nhãn hiệu. Trước đó, ngày 30/9, tại cửa khẩu Mộc Bài, Tổ công tác thuộc Đội 4 chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh) kiểm tra thực tế hàng hóa đóng trong container thuộc tờ khai vận chuyển quá cảnh của nhà vận chuyển là Công ty TNHH T.M.L. cũng đã phát hiện và tạm giữ 30 túi xách tay giả nhãn hiệu HERMÈS.
Đặc biệt, ngày 20/6, Đội 4 đã chủ trì, phối hợp với Hải quan Hải Phòng bắt giữ, tịch thu 117.200 sản phẩm bản lề dùng cho tủ bếp hiệu BLUMaxi đã xâm phạm nhãn hiệu BLUM đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Thủ đoạn của vụ việc này hoàn toàn mới và tinh vi. Doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng giả đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “BLUMAXI” – viết hoa tất cả chữ cái - tại Việt Nam cho hàng hóa của mình. Hồ sơ của DN được coi là hợp lệ vì chưa ai đăng ký nhãn hiệu này, song vẫn chưa được cấp phép. Tuy nhiên, thực tế hàng doanh nghiệp nhập về lại ghi chữ “BLUMaxi” (3 chữ cuối viết thường trong nhãn hiệu này lại vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ là BLUM). Nếu không nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ sẽ rất khó để phát hiện ra thủ đoạn che giấu hành vi vi phạm của DN.
Cần có sự chung tay của doanh nghiệp, người tiêu dùng
Trong 1 năm trở lại đây, ngành Hải quan đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 60 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT và hàng giả xuất xứ. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 32,686 tỷ đồng. Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bị giả mạo như: LV, Gucci, Nike, Chanel, ADIDAS, HERMÈS,…
Theo bà Hoàng Bích Ngọc, Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH BLUM tại Hà Nội, vụ việc bắt giữ lô hàng nhãn hiệu BLUMaxi - xâm phạm quyền SHTT của Hãng BLUM đã đóng góp vào việc nâng cao kiểm soát và thu giữ hàng hóa xâm phạm quyền SHTT của BLUM tại thị trường Việt Nam. Qua đó, từng bước giảm dần những vi phạm lặp lại tương tự trong tương lai của các đối tượng chuyên kinh doanh mặt hàng này trên thị trường. Để đấu tranh hiệu quả, bà Ngọc kiến nghị cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các cơ quan chức năng bao gồm: Hải quan, QLTT, Công an và cả DN là chủ thể sở hữu các nhãn hiệu chính hãng. Về phần giám định hàng hóa hoặc giám định nhãn hàng vi phạm, cần có sự đồng bộ hơn giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan giám định quyền SHTT và cơ quan đăng kí bản quyền, quyền SHTT. Ngoài ra, cần có quy định xử phạt nghiêm minh hơn nữa đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền SHTT, như: Tăng hình thức xử phạt bằng tiền cho mỗi lần vi phạm, rút giấy phép kinh doanh sản phẩm cùng chủng loại nếu tiếp tục vi phạm lần 2.
Bà Đại Khả Quỳnh, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, gỡ bỏ giới hạn tối đa mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; ra quân giám sát thị trường thường xuyên hơn… Các sàn thương mại điện tử có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với các thương nhân. Còn các chủ thể quyền SHTT cần nhanh chóng cung cấp tài liệu, kết luận về hành vi xâm phạm để hỗ trợ các mạng xã hội giải quyết vụ việc vi phạm.
Để kịp thời phòng ngừa và kiểm soát tốt tình hình nhập lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, Tổng cục Hải quan tiếp tục ban hành Kế hoạch về việc kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo về SHTT và hàng xâm phạm quyền SHTT năm 2024. Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), với kế hoạch này, toàn ngành sẽ chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để xác định địa bàn, đối tượng, hành vi, loại hình trọng điểm để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo về SHTT, hàng xâm phạm quyền SHTT đối với các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.