"Ma trận" thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng

Thứ Năm, 22/12/2022, 07:36

Thực phẩm chức năng (TPCN) chứa chất cấm, làm giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, thổi phồng công dụng như thần dược… đang là vấn đề nhức nhối khi được rao bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội. Người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, nhất là các sản phẩm "hot" như thực phẩm làm đẹp, giảm cân, chữa bệnh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất TPCN không đăng ký với cơ quan quản lý mà tự công bố; hoặc đăng ký với cơ quan quản lý một đằng, khi làm xét nghiệm mẫu chất lượng tốt, nhưng khi sản xuất đưa ra thị trường chất lượng lại không đảm bảo.

"Treo đầu dê, bán thịt chó"

Tại Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường TPCN” do Báo điện tử VTC News phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Hiệp hội TPCN Việt Nam tổ chức ngày 20/12, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đánh giá, TPCN giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), kém chất lượng xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. TPCN giả, kém chất lượng được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau, từ chữa xương khớp, tiêu hoá, tim mạch… và cả ung thư. Nếu như trước đây, TPCN giả, kém chất lượng sản xuất trong nước với quy mô thủ công nhỏ lẻ là chủ yếu, thì nay đã thành quy mô công nghiệp, thậm chí còn sản xuất giả ở nước ngoài và đưa về trong nước tiêu thụ.

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ nhiều thực phẩm chức năng giảm cân và thuốc không rõ nguồn gốc.

Thời quan qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, mua bán TPCN giả, vi phạm SHTT, có đợt bắt cả chục tấn nguyên liệu làm giả. Điển hình là vào giữa năm 2022, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 2 giám đốc sản xuất, buôn bán hàng giả là TPCN với số lượng lớn là Vũ Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA (xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) và Ong Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư Nam Phong (Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt quả tang công ty của Sỹ sản xuất hàng giả là TPCN Collagen, thu 16 thùng chứa các viên nang Collagen với tổng trọng lượng khoảng 600kg; 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen, 3 máy khò… Đến cuối tháng 11/2022, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Thị Lan (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để làm rõ hành vi “làm, buôn bán tem giả” do có liên quan đến công ty của Sỹ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, bên cạnh doanh nghiệp sản xuất TPCN làm ăn chân chính, còn nhiều doanh nghiệp đưa ra thị trường sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Thậm chí, có doanh nghiệp sản phẩm đưa đi công bố  là mua của người khác, khi sản xuất ra chất lượng lại khác với công bố…

Điển hình là Công ty cổ phần Sữa Hà Lan, khi đăng ký với cơ quan quản lý chất lượng một đằng, nhưng lô hàng sản xuất ra chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp. Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại công ty này.

Lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng quảng cáo TPCN như thần dược

Thời gian qua, do nhiều đối tượng không chỉ lợi dụng lỗ hổng trong quản lý để sản xuất hàng giả, mà còn quảng cáo thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nhiều người có nhu cầu làm đẹp, giảm cân đã mua TPCN về sử dụng và suýt mất mạng do TPCN này chứa chất cấm nguy hiểm.

Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, việc quảng cáo TPCN như thần dược cần phải lên án. Có nhiều chương trình sử dụng nghệ sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh; hoặc giả danh bác sĩ để tư vấn cho bệnh nhân; cắt ghép hình ảnh bác sĩ, nhà khoa học đưa vào quảng cáo TPCN và thổi phồng công dụng… để người tiêu dùng tin và mua.

Tại Việt Nam hiện có hơn 3.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN đã đăng ký, nhưng trên thực tế còn nhiều hơn, chủ yếu bán hàng trên mạng xã hội, gọi điện tư vấn. Năm 2022, cơ quan chức năng đã xử phạt 28 cơ sở vi phạm về quảng cáo, tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng; năm 2021 xử phạt 28 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng và năm 2020 có 46 cơ sở bị xử phạt với hơn 2,2 tỷ đồng.

Vì sao TPCN giả, kém chất lượng ngày càng nở rộ? Theo ông Nguyễn Đức Lê, doanh nghiệp tự công bố chất lượng nộp cho Cục ATTP, tự sản xuất và tự chịu trách nhiệm nên khi công bố một đằng, nhưng sản xuất lại một nẻo. Hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN, lực lượng QLTT phải đi hậu kiểm, trong khi cơ quan này còn quản lý rất nhiều hàng hoá khác. Ông Lê cũng nêu thực trạng báo động nữa là do chưa có tiền kiểm, mà chỉ có hậu kiểm, nên TPCN không đạt chất lượng, khi phát hiện vi phạm thì người tiêu dùng đã sử dụng rồi.

Để ngăn chặn sản xuất và kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng, vi phạm SHTT, theo ông Lê, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan phải cùng doanh nghiệp chung tay trong hoạt động chống TPCN giả, vi phạm SHTT, kém chất lượng. Hiệp hội phải là đầu mối quy tụ doanh nghiệp, người tiêu dùng phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống TPCN giả. Cần phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm TPCN lưu thông trên thị trường. “Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý mua TPCN không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng”, ông Lê khuyến cáo.

Trần Hằng
.
.
.