Liên tiếp phát hiện hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

Thứ Ba, 25/04/2023, 09:41

Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương liên tiếp phát hiện, tạm giữ nhiều lô hàng lớn giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được kinh doanh trên thị trường.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) vừa tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh Mạnh Long, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh do bà V.T.T.Vân làm đại diện.

Tại đây, lực lượng QLTT phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, có trị giá 85,5 triệu đồng, gồm: 10 cái gọng kính hiệu GUCCI, made in Italy; 93 cái kính mát hiệu GUCCI, made in Italy; 91 cái kính mát hiệu CHANEL, made in Italy; 30 cái kính mát hiệu DIOR, made in Italy; 32 cái kính mát hiệu GUCCI, không ghi xuất xứ; 30 cái gọng kính hiệu DIOR, made in Italy; 19 cái kính mát hiệu DIOR, không ghi xuất xứ.

Tổng cộng hàng hóa vi phạm là 305 cái. Tương tự, tại Hải Phòng, lực lượng chức năng cũng phát hiện, tạm giữ một số lượng lớn giày, dép các loại giả mạo các nhãn hiệu như: NIKE, CONVERSE, LOUIS VUTTON, MLB… trên địa bàn quận Hải An. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 1,5 tỷ đồng.

a.jpg -0
Lực lượng chức năng kiểm tra kem đánh răng, dầu gội đầu giả mạo nhãn hiệu.

Trên thị trường không chỉ xuất hiện các mặt hàng làm giả nhãn hiệu nổi tiếng nhập từ nước ngoài mà còn giả mạo các nhãn hiệu hàng hóa sản xuất trong nước. Mới đây, lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang phối hợp với Công an xã Kim Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang phát hiện và tiến hành khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 29D-130.79 do ông Nguyễn Tiến H. sinh năm 1979, địa chỉ khu 11, Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ là chủ hàng.

Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe đang chở 10.872 gói dầu gội đầu nhãn hiệu Sunsilk, Dove, Lifebuoy, Clear; 428 hộp kem đánh răng nhãn hiệu Closeup; PS; 36 gói bột giặt nhãn hiệu OMO có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã được bảo hộ tại Việt Nam; 3.108 gói dầu gội đầu nhãn hiệu X'MEN có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Công ty CP Marico South East Asia; 42 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Sunsilk, Clear là hàng hoá do nước ngoài sản xuất có xuất xứ Thailand. Chủ hàng và lái xe không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn gì chứng minh tính hợp pháp, nguồn gốc hàng hóa trên.

Liên quan đến hàng hoá mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, hóa mỹ phẩm, dược phẩm gắn liền với sức khỏe của người dân, do vậy, đây tiếp tục là những mặt hàng trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên và đột xuất của lực lượng QLTT, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hiện, hóa - mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Linh, nguyên nhân dẫn đến hành vi sản xuất, kinh doanh làm giả hóa mỹ phẩm là do số lượng tiêu dùng rất lớn, tỷ lệ người mua hàng đa số là chị em phụ nữ đều có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp. Đối với dược phẩm, là thuốc, người bệnh thường có tâm lý "có bệnh vái tứ phương" do vậy, họ không mấy khi quan tâm đến giá cả, miễn là mua được thuốc, do vậy dễ mua phải thuốc giả.

Qua các vụ việc bắt giữ trên cho thấy, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, đặc biệt với các nhóm hàng thiết yếu. Do đó, cần chế tài mạnh xử lý các hành vi vi phạm, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lưu Hiệp
.
.
.