Liên kết vùng tạo sức bật tăng trưởng xuất khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Thứ Bảy, 13/04/2024, 08:41

Tại hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc do Bộ Công Thương phợp với Sở Công Thương tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 12/4, đại diện địa phương và bộ ngành cho rằng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững nhưng các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc… Vì vậy, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã góp phần tạo nên thành công của bức tranh xuất nhập khẩu (XNK) của đất nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các địa phương trong vùng chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, tiềm năng chưa biến thành động năng, tiềm lực, nguồn lực. Hiện phần lớn các doanh nghiệp (DN) trong vùng là DN vừa và nhỏ, còn hạn chế năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh. Công tác phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên. Giá trị xuất khẩu (XK) còn thấp, mặt hàng XK chưa phong phú, đa dạng, khả năng cạnh tranh chưa cao, sản phẩm XK chủ yếu là sản phẩm thô, gia công. Phần lớn các sản phẩm XK đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc. Do đó, cần có các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong vùng.

Liên kết vùng tạo sức bật tăng trưởng xuất khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc -0
Nông sản Việt được nhiều thị trường ưa chuộng.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước với diện tích trên 4.700ha cây ăn quả phục vụ XK. Việc kết nối vùng, xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến sâu là quan trọng nhưng cùng với đó, việc các bộ ngành, các tỉnh, cửa khẩu, cùng nhau xây dựng các điểm lưu kho, lưu bãi, logistics đồng bộ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các tỉnh miền núi phát triển, đưa hàng hoá lưu thông, XK thuận lợi hơn. Năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường sắt) nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo, do vậy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa XNK.

Ưu tiên phát triển các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn

Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, với một số mặt hàng cây ăn quả tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc như: Nhãn, vải, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ… được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện XK sang thị trường Australia, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… "Các mặt hàng này, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả XK tốt, được sự ưa chuộng của người tiêu dùng nước ngoài và hiện đang giữ thị phần lớn tại các thị trường khu vực châu Á - châu Phi. Dư địa mở rộng thị trường đối với các mặt hàng XK thế mạnh của vùng sang khu vực này còn rất lớn", ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), XK các mặt hàng nông sản của vùng Trung du, miền núi phía Bắc sang khu vực châu Âu - châu Mỹ trong 2 tháng đầu năm đã có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể như gỗ đã tăng trưởng đột biến trở lại, đạt 1,36 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái; hàng rau quả đạt hơn 93 triệu USD, tăng hơn 18%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 18 triệu USD, tăng hơn 238%; XK gạo đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 238%; và XK chè gần 3,9 tỷ USD, tăng hơn 17%. Về mặt dài hạn, XK các mặt hàng của Việt Nam nói chung, vùng Trung du, miền núi phía Bắc nói riêng sang thị trường châu Âu - châu Mỹ vẫn còn nhiều tiềm năng vì Việt Nam là nước có lợi thế XK đặc biệt khi sở hữu tới 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định với các nước, khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Để thúc đẩy tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng XK vùng Trung du, miền núi phía Bắc trong thời gian tới, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho rằng, cần tập trung ưu tiên phát triển XK các mặt hàng có quy mô XK lớn, lợi thế cạnh tranh cao như: Điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ... gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm XK; gia tăng tỷ trọng XK hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường… Đồng thời, chú trọng phát triển XK qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy chuyển nhanh và mạnh sang thương mại chính ngạch đối với các nước có chung đường biên giới gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại…

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, cần tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông cho vùng này. Cùng với các giải pháp đồng bộ khác, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần tăng cường xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác tốt các thông tin về cửa khẩu, XNK hàng hóa; phát triển các loại hình dịch vụ gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các DN, thương nhân tham gia hoạt động XNK qua địa bàn. Triển khai hoạt động kết nối DN và sản phẩm của DN (đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản) của Việt Nam tới các đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc cần tăng cường công tác theo dõi tình hình tại các cửa khẩu, kịp thời thông báo, khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa XK qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là hoa quả, nông sản để chủ động, nâng cao hiệu quả của công tác điều tiết hàng hóa và phương tiện.

Lưu Hiệp
.
.
.