Liên kết sản xuất rau thơm bền vững, cùng nhau làm giàu
Gần chính Ngọ, bà Nguyễn Thị Tuất (SN 1970, ngụ tổ dân phố Nguyên Tử Lực 4, phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và người làm vẫn chưa nghỉ tay. Mọi người tạm gác lại bữa trưa, hối hả đóng các loại rau vào từng bao bì theo đúng kích thước, trọng lượng, chủng loại để kịp thời giao hàng cho đơn vị vận chuyển đưa đi tiêu thụ ở thị trường đầu mối quen thuộc nhiều năm qua tại TP Hồ Chí Minh.
Trong chuỗi liên kết sản xuất của bà Tuất, chất lượng nông sản luôn được các thành viên xem trọng, đặt lên hàng đầu. Trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, các sản phẩm rau ăn sống, rau thơm trong chuỗi liên kết sản xuất đều được kiểm tra chất lượng theo chuẩn VIETGAP.
Đây cũng là một trong những chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được UBND TP Đà Lạt cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Vì thế, sau hàng chục năm, các đối tác nhận bao nhiêu sản phẩm trong chuỗi sản xuất của bà Tuất vẫn kiên định, trung thành với nguồn rau do bà cung cấp.
Chia sẻ bí quyết để giữ được chân khách hàng, bà Tuất cho biết, điều kiện tiên quyết để sản phẩm đi vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, cung ứng ra thị trường là phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn của VIETGAP.
Theo bà Tuất, người tiêu dùng ngày càng đặc biệt quan tâm tới chất lượng nông sản, nhất là những loại dùng để làm thực phẩm, ăn uống hằng ngày. Đây là một xu thế tất yếu nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính bà nội trợ, các thành viên trong gia đình và thực khách. Yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, đòi hỏi chuỗi liên kết sản xuất do bà Nguyễn Thị Tuất đứng đầu luôn phải cải tiến quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để cho ra những sản phẩm rau sạch có chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn nhất.
Bà Nguyễn Thị Tuất chia sẻ, từ thời con gái, bà đã nung nấu ý tưởng hướng tới một nền sản xuất các loại rau an toàn, không tồn dư hóa chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ý tưởng, định hướng đã rõ nhưng khi bắt tay vào thực hiện, bà Tuất gặp không ít khó khăn. Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ đòi hỏi về việc phải nắm vững kỹ thuật canh tác mà còn cần một khoản tiền lớn để đầu tư, trong đó có nhà kính, hệ thống tưới tiêu, kho lạnh, công nghệ bảo quản, sơ chế sau thu hoạch. Đó là chưa kể phải liên tục cập nhật các giống rau mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng để trồng. Rau giống mới thường có chi phí đầu tư cao hơn các loại rau truyền thống, làm gia tăng giá thành sản phẩm, điều này làm giảm sức cạnh tranh với mặt hàng cùng loại.
Vượt qua khó khăn, bà Tuất vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, dần mở rộng quy mô sản xuất. Được các đối tác tin tưởng lựa chọn, đơn đặt hàng đến với gia đình bà Tuất ngày càng nhiều. Khi cung vượt quá cầu, bà Nguyễn Thị Tuất đã đặt vấn đề với một số gia đình có kinh nghiệm trồng rau, sản xuất theo hướng VIETGAP, lập thành chuỗi liên kết sản xuất các loại rau thơm, rau ăn lá. Nhiệm vụ của bà Tuất là giám sát chất lượng trên cơ sở đôn đốc các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và nhận bao tiêu sản phẩm.
Chuỗi liên kết sản xuất do bà Nguyễn Thị Tuất đứng đầu chuyên cung cấp các sản phẩm rau ăn lá, rau thơm vào hệ thống khách sạn lớn, có đông du khách người nước ngoài lưu trú. Hằng ngày, các thành viên trong chuỗi sản xuất dậy từ rất sớm để thu hoạch các loại rau theo đơn đặt hàng của đối tác. Thu hoạch rau buổi sáng sớm sẽ giúp giữ được hương vị tươi ngon, chất lượng, bảo quản cũng được lâu hơn.
Hiện nay, mỗi ngày chuỗi liên kết sản xuất của bà Nguyễn Thị Tuất xuất bán khoảng 500kg các loại rau thơm, rau ăn lá và một số củ, quả mang nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đầu ra ổn định, thu nhập của các thành viên trong chuỗi liên kết sản xuất nhờ thế mà ngày càng khá giả.