Làng nghề bánh tráng vào mùa Tết
Mặt trời ló rạng là lúc người dân ở làng nghề bánh tráng truyền thống Trường Cửu, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định) bắt đầu ngày làm việc mới. Về làng nghề vào những ngày cuối tháng Chạp, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những phên bánh tráng phơi giữa trời, kịp khô để cung ứng thị trường mùa Tết.
Bà Lê Thị Mi (SN 1951, trú thôn Trường Cửu) cho biết, ở thôn Trường Cửu có khoảng 200 hộ làm bánh tráng bằng phương pháp thủ công. Đầu tháng Chạp đến nay, lò tráng bánh nhà nào cũng đỏ lửa cả ngày. Để có bột tráng bánh, từ chiều hôm trước đã lo ngâm gạo, 2-3h sáng hôm sau thức dậy xay bột. Gạo là nguyên liệu chính để tráng bánh. Tuy nhiên, để bánh có độ dẻo nhẹ, cuốn không bị nứt thì cần thêm chút mì (sắn). Mì ở đây đã qua sơ chế thành bột, được mua từ thị xã An Khê (Gia Lai), sau đó đem trộn theo tỷ lệ vào gạo.
Ngày theo ngày, gia đình bà Mi bắt đầu công việc tráng bánh lúc tờ mờ sáng. Sau khi chuẩn bị xong gạo, đem ngâm với nước cho mềm, sáng sớm chồng bà dậy xay bột, bà thì lo nhóm bếp lửa, nấu sôi nồi đồng đầy nước (còn gọi là nồi bảy) rồi căng một tấm vải phẳng trên miệng nồi. Nước trong nồi sôi là lúc người thợ tráng bánh múc từng gáo bột đổ lên trên tấm vải rồi trải đều bột thành hình tròn, đậy nắp vung lại. Hơi nước làm chín bột thành chiếc bánh, sau đó người thợ khéo léo dùng cây đũa tre lớn lấy bánh trải lên vỉ tre rồi đem đi phơi nắng… Tráng bánh theo cách thủ công này, mỗi ngày gia đình bà Mi tráng được từ 1.000 - 1.500 bánh, giá bán 700.000 đồng/1.000 chiếc bánh, sau khi trừ chi phí, bà cũng kiếm được ngày công, vừa đủ chi tiêu sinh hoạt trong ngày.
Tương tự, gia đình chị Bùi Thị Nữ, chuyên sản xuất bánh tráng mè dùng để nướng cho biết, nghề làm bánh tráng tuy có nhọc công nhưng có việc làm quanh năm, đặc biệt là vào khoảng tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán, lượng bánh tiêu thụ rất mạnh, nhiều lúc không làm kịp. Theo các hộ dân chuyên làm bánh tráng, công thức để làm bánh ngon là nấu cơm để nguội, trộn với gạo rồi đem xay thành bột. Ngoài ra, lúc tráng bánh phải đều tay, không chỗ dày chỗ mỏng thì bánh mới ngon, với bánh mè khi nướng sẽ chín đều, còn với bánh nhúng khi ăn sẽ giòn.
Ngoài làm bánh tráng theo thủ công, hiện ở làng nghề bánh tráng truyền thống Trường Cửu, một số hộ đầu tư máy móc, sản xuất hàng loạt để cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Bùi Hiếu Dũng, 47 tuổi, cho hay, thời gian trước, gia đình anh tráng bánh theo hình thức thủ công nên khá vất vả mà lời chẳng bao nhiêu. Gần năm nay, gia đình anh đã mua máy tráng bánh tự động từ nguồn vốn khuyến công của thị xã, nhờ đó, công suất sản xuất bánh tăng lên thấy rõ. Ngày thường gia đình anh làm khoảng 100kg gạo, nhưng vào tháng Chạp lượng gạo tăng lên 200kg có ngày hơn; phải thuê thêm 5 - 10 người làm mới kịp. Nhu cầu thị trường dịp Tết tăng cao, song giá bánh đang giữ mức bình ổn 700.000 đồng/1.000 bánh.
Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, chia sẻ: Bánh tráng Trường Cửu là một trong những làng nghề đang phát triển, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời giúp nâng cao đời sống người dân. Để có thể phát huy nghề truyền thống này, thời gian qua chính quyền địa phương đã đồng hành với người dân bằng cách cho vay không tính lãi, đồng thời hỗ trợ máy móc để giảm bớt sức lao động, khuyến khích người sản xuất nâng cao chất lượng, chú trọng bảo đảm tốt môi trường.
"Hiện nay, địa phương đang tranh thủ các dự án khuyến công để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận mua sắm máy móc, dây chuyền làm bánh. Đồng thời, tranh thủ qua các kênh để hỗ trợ làng nghề quảng bá được sản phẩm bánh tráng, tạo điều kiện cho sản phẩm bánh tráng Trường Cửu được nhiều thị trường biết đến, giúp bà con có đầu ra ổn định và bền vững", bà Hằng cho biết thêm.