Làn sóng Omicron gây thiếu nhân lực lao động trầm trọng

Thứ Tư, 09/03/2022, 08:59

Kể từ Tết Nguyên đán đến nay, biến chủng Omicron đã làm tăng ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam lên nhanh chóng, đỉnh điểm vào ngày 7/3 đã lên hơn 147.000 ca mắc mới/ngày.

Nhiều lao động, công nhân, viên chức đã nghỉ việc dài ngày, từ cách ly F1, đến cách ly điều trị do là F0, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Tuy nhiên, theo chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ đạt đỉnh ca mắc mới vào 3-4 tuần tới và làn sóng Omicron sẽ có đợt thứ 2.

Lo lắng thiếu lao động kéo dài

Gần 1 tháng qua, anh Nguyễn Tuấn Mạnh (công tác tại một cơ quan hành chính nhà nước ở Hà Nội) gần như phải nghỉ làm liên tục vì cách ly F1, F0. Anh Mạnh cho biết, khi con trai trong nhà là F0, anh đã nghỉ 7 ngày theo quy định là F1.

Sau khi đi làm được 3 ngày thì đến vợ là F0, anh lại xin nghỉ. 6 ngày sau, anh xuất hiệu triệu chứng, test nhanh dương tính và bắt đầu cách ly y tế tại nhà. “Đến nay tôi đã 10 ngày nhiễm COVID-19 nhưng test nhanh vẫn dương tính. Tôi rất sốt ruột vì công việc của tôi không ai thay thế được”.

Chị Minh Hoa, làm việc tại một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết: “Cả phòng còn mỗi tôi chưa nhiễm COVID-19 nên lượng công việc dồn vào mình tôi, ngày nào cũng phải tăng ca, gần như kiệt sức”.

Hiện nay, nhiều cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp liên tục có người lao động thông báo là F0 xin nghỉ, có doanh nghiệp phải tạm đóng cửa vì công nhân lây nhiễm hàng loạt. Thiếu hụt nhân lực đang diễn ra phổ biến, khiến nhiều nơi người lao động cứ test âm tính là đi làm luôn. Trong khi đó, có F0 test nhanh âm tính, nhưng khi test PCR chỉ số TC dưới 30 vẫn có thể lây nhiễm cho người khác nếu tiếp xúc gần với người xung quanh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 trong nước tăng rất mạnh, lên tới hơn 145.000 ca vào ngày 7/3. Nhiều tỉnh, thành đăng ký bổ sung ca mắc mới, có địa phương bổ sung tới 20.000 ca. Tuy nhiên, đây là con số thống kê do người dân khai báo y tế, còn rất nhiều F0 điều trị tại nhà không khai báo.

Ghi nhận trong những ngày qua, nhiều người đã tiêm 2 đến 3 mũi vaccine đều mắc COVID-19. Biến chủng Omicron không bị hoặc ít bị cản trở việc tiêm vaccine từ trước nên sẽ phát triển nhanh. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, dự báo làn sóng dịch COVID-19 có số ca mắc đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ 3-4 tuần, chứ không phải 2 tuần.

Và làn sóng Omicron sẽ không chỉ 1 đợt mà còn có đợt thứ 2. Làn sóng Omicron lần này đã gây thiếu hụt về nhân lực và lao động, nếu chủng Omicron tiếp tục quét thêm đợt 2 thì bài toán nhân lực sẽ còn khó khăn trầm trọng. Đây cũng là điều lo ngại đối với nhiều người, cơ quan và doanh nghiệp.

bt.png -0
Nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động do công nhân nghỉ cách ly y tế.(Ảnh minh họa)

F0 đi làm, phòng dịch thế nào?

Bộ Y tế vừa có đề xuất cho F0 không triệu chứng làm việc trực tuyến và F1 có thể đi làm trực tiếp hoặc online. Đề xuất này được nhiều người ủng hộ để tháo gỡ khó khăn về nhân lực trong lúc này. PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Người nào có triệu chứng, đau ốm thì có thể nghỉ nhưng với F0 không triệu chứng, nhẹ cũng tùy hoàn cảnh, điều kiện khác nhau có thể quyết định đi làm.

Ông Nga đưa ra ví dụ, công nhân làm đường hay nông dân làm ruộng ở môi trường thông thoáng, xung quanh không có người thì hoàn toàn có thể đi làm. Hoặc trong các cơ sở y tế, thực tế nhiều y, bác sĩ nhiễm COVID-19 vẫn công tác tại các khu vực chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19…

Một số chuyên gia đưa ra khuyến cáo, với cơ quan, xí nghiệp có nhiều F1 đi làm, nếu có điều kiện thì có thể phân chia khu vực làm việc để hạn chế tiếp xúc với nhau. Còn trường hợp làm việc trong không gian hẹp cần mở cửa thông thoáng và hạn chế tiếp xúc gần. Khi các F1 có dấu hiệu của bệnh thì cần thông báo cho cơ quan, đơn vị để tạm cách ly, sau đó thực hiện xét nghiệm. Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người được coi là F1 phải tiếp xúc gần (dưới 2m) trong 15 phút, không đeo khẩu trang với F0…

Theo ông Nga, trên thực tế, không ít người xác định chưa đúng, báo cáo F1 tràn lan, rồi cách ly, không đi làm thì rất lãng phí nguồn nhân lực. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là thực hiện tốt 5K. Nếu làm nghiêm túc, hoàn toàn có thể dự phòng được lây nhiễm với những người xung quanh.

Tr.Hằng
.
.
.