Làm sao để bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng?

Thứ Sáu, 22/09/2023, 07:24

Nội dung này đã từng được Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế diễn ra ngày 15/9/2023 tại TP Hồ Chí Minh và còn gây bức xúc, trăn trở lâu dài.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, vấn nạn sách giả không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra ở nhiều quốc gia khác, làm đau đầu cơ quan quản lý. Các đại biểu cho rằng, thực trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện nay ngày càng nhiều, với hình thức đa dạng, hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Đây không phải là vấn đề riêng của mỗi quốc gia, mà là một vấn nạn nhức nhối ở tất cả các quốc gia trong bối cảnh sự phát triển của internet, các phương tiện truyền thông xã hội, của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.

"Việt Nam là một thành viên tích cực của ABPA. Chúng tôi rất ý thức về phát triển ngành xuất bản, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền, coi bảo vệ bản quyền là một trong hai trụ cột (cùng với phát triển văn hóa đọc) để thúc đẩy xuất bản phát triển", ông Nguyễn Nguyên phát biểu.

Làm sao để bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng? -0
Đại diện các nhà xuất bản cho biết sách giả bán tràn lan trên mạng xã hội và cơ quan chức năng phát hiện nhà sách bán sách giả.

Ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines cho biết: "Tại Philippines, "những tên cướp" - những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác bất hợp pháp, đang nhắm mục tiêu vào ngành xuất bản. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.

Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia bày tỏ: "Vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp. Năm 2019, 11 nhà xuất bản thuộc Ikapi báo cáo sách bị vi phạm bản quyền, thiệt hại lên tới 7,5 triệu USD. Con số thiệt hại thực tế chắc chắn còn lớn hơn khi số lượng thành viên Ikapi năm đó là khoảng 1.600".

Nhà văn "best seller" Nguyễn Nhật Ánh cũng lên án sách lậu, sách giả: "Theo mức độ lộng hành của nó, hiện nay sách giả, sách lậu đã có thể gọi là "quốc nạn". Nó giống một thứ virus, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng".

Đại diện Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt, ông Nguyễn Văn Phước chia sẻ, sách giả được bán tràn lan trên mạng xã hội, trên một số sàn thương mại điện tử. Người mua sách chú ý, sách giả, chất lượng xấu, in mờ, nhiều trang ko đọc được, với giá rẻ hơn nhiều so với sách thật. Khi giới thiệu hình ảnh trên sàn là sách thật, khi giao hàng cho khách toàn là sách giả!.

"Sự việc nghiêm trọng thật sự, đi trên luật pháp, được bảo kê làm ảnh hưởng nghiêm trọng ngành xuất bản Việt Nam", ông Nguyễn Văn Phước bức xúc chia sẻ.

Về giải pháp, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cho biết, năm 2020, Chính phủ nước này đã đồng ý cho thành lập Đội đặc nhiệm xử lý vi phạm bản quyền đối với các sản phẩm kinh tế sáng tạo. Lực lượng đặc nhiệm này bao gồm đại diện của Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo, Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi), Cơ quan Nghiên cứu và Hình sự của Cảnh sát quốc gia Indonesia, Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin…

Thông qua các cơ sở của lực lượng đặc nhiệm đã giúp quá trình xử lý việc bán sách lậu trở nên dễ dàng hơn. Ikapi và các thành viên tham gia Chương trình Liên minh thương hiệu, nơi quy trình khiếu nại về vi phạm bản quyền đơn giản hơn và chỉ mất một ngày.

Chủ tịch Hội Xuất bản Philippine cho hay, quyền sở hữu trí tuệ của Philippines (IPOPHL, cơ quan chính phủ phụ trách bản quyền) giúp tất cả các nhà xuất bản và nghệ sĩ sáng tạo bảo vệ bản quyền của họ. Với các quy định mới sắp được áp dụng, chủ sở hữu bản quyền cuối cùng sẽ có thể yêu cầu IPOPHL ra lệnh chặn các trang web vi phạm bản quyền. Nếu trang web liên quan được xác nhận là có hành vi vi phạm bản quyền thông qua đánh giá kỹ lưỡng của Văn phòng thực thi quyền IP, IPOPHL sẽ yêu cầu sở hữu trang web trí tuệ (ISP) hành động theo các yêu cầu này.

"Chúng ta đều đi đến thống nhất rằng, vấn nạn này cần sớm được ngăn chặn để bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo giá trị tri thức và cũng chính là bảo vệ bạn đọc. Nhưng muốn làm được điều này cần có sự chung tay phối hợp đấu tranh của tất cả các quốc gia. Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) cần phải đi tiên phong trong vấn đề này", ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022 - 2023 phát biểu.

Nguyễn Cảnh
.
.
.