Lãi suất tiết kiệm “quay đầu” tăng

Thứ Hai, 06/05/2024, 08:19

Sau 1 năm “cắm đầu” giảm, lãi suất tiền gửi đã bắt đầu rục rịch tăng trở lại. Mức cao nhất trên thị trường ghi nhận hơn 6% ở kỳ dài hạn.

Sau kỳ nghỉ lễ, bắt đầu từ tháng 5/2024, Ngân hàng ACB đã chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm 0,2 điểm phần trăm các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi. Cũng kể từ đầu tháng 5, GPBank ban hành biểu lãi suất tiết kiệm mới, ghi nhận tăng đáng kể tại nhiều kỳ hạn: Từ kỳ hạn 6-36 tháng với mức tăng trung bình 0,2-0,3 điểm phần trăm.

Tương tự, sau hai lần điều chỉnh tăng trong tháng 4, NCB vừa tiếp tục tăng lãi suất huy động từ ngày 3/5. Cụ thể, lãi suất huy động các kỳ hạn 6 - 10 tháng và 12 - 36 tháng đồng loạt tăng thêm 0,2 điểm %, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 11 tháng tăng thêm 0,1 điểm % và giữ nguyên lãi suất tại các kỳ hạn dưới 6 tháng.

5823_nganhang1311.jpg -0
Lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã rục rịch từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng trong tháng 4. Theo khảo sát, trong tháng 4, có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB. OceanBank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.

Hiện, theo thống kê, mức lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất trên thị trường dao động ở mốc nhỉnh 6%/năm, tại kỳ hạn 24-36 tháng, xuất hiện ở OceanBank, với lãi suất ở kỳ hạn 24 tháng là 6%/năm. Các ngân hàng SHB, MB, VPBank, TPBank, Nam A Bank, HDBank,… niêm yết mức lãi suất trung bình từ 5,3-5,7%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất xoay quanh ngưỡng 5%/năm. Cụ thể, OceanBank: 5,4%/năm, VietBank: 5,2%/năm, Nam A Bank: 5,1%/năm,… Ở kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất tiết kiệm tại các nhà băng cao nhất chưa tới 5%/năm. Một số ngân hàng trải lãi suất cao tại kỳ hạn này là Kienlong Bank 4,7%/năm, OCB 4,6%/năm, HDBank 4,5%/năm… Mức lãi suất thấp nhất tại kỳ hạn 1 tháng thuộc về nhóm ngân hàng Big 4 khi Vietcombank, Agribank giữ lãi suất ở mức 1,6%/năm, tiếp đến VietinBank và BIDV đang trả lãi 1,7%/năm.

Giới chuyên gia nhận định, động thái tăng lãi suất tiết kiệm của hàng loạt ngân hàng đến từ việc lượng tiền tiết kiệm bắt đầu giảm do lãi suất xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023.

Còn theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước cập nhật thì đến cuối tháng 1, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng giảm mạnh. Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Tương tự, tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34.600 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2024, xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng 25 tháng liên tiếp trước đó.

Theo TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, do lãi suất thấp, dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán… Trong đó, riêng đối với vàng trong quý I giá đã tăng 23%, còn trên thị trường chứng khoán, số lượng tài khoản mở mới tăng, giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng một phiên. Cùng với đó, tiền vào thị trường bất động sản cũng có sự phục hồi đáng kể với hàng loạt yếu tố tích cực.

Vậy, lãi suất sẽ tiếp tục tăng hay giảm, hay đi ngang? Các chuyên gia đến từ Chứng khoán MB (MBS) cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện. MBS dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3 - 0,5 điểm % và sẽ tiến dần về mức lãi suất tại thời điểm đầu năm. Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng có khả năng lãi suất sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2024, nhưng điều này chưa thực sự rõ rệt vì còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu về vốn trong nền kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo trong nửa năm sau của năm 2024, hoạt động tín dụng có thể sẽ tăng trưởng rầm rộ hơn. Chính vì vậy ngân hàng có sự chuẩn bị từ trước về vốn để cho vay ra. Đó là nguyên nhân chính đẩy lãi suất cho vay cũng như huy động lên trong những tháng còn lại của năm.

Nói thêm về những tác động có thể ảnh hưởng đến xu hướng lãi suất, ông Hiếu phân tích về mặt quốc tế, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm lãi suất trong những tháng cuối năm 2024, điều này có thể sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất của Việt Nam. Nếu Việt Nam giữ chênh lệch quá lớn giữa lãi suất của tiền đồng Việt Nam và tiền USD, tỷ giá sẽ chịu trường hợp nếu ở Mỹ hạ lãi suất, áp lực tỷ giá sẽ giảm đi. Khi Mỹ hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa tiền USD và tiền đồng Việt Nam sẽ giảm đi, từ đó làm giảm áp lực phải tăng lãi suất.

Hà An
.
.
.