Lãi suất huy động ngân hàng tăng trở lại

Thứ Hai, 20/12/2021, 07:45

Sau một thời gian dài cắm đầu đi xuống, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng thương mại rục rịch tăng trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu sẽ có cơ hội sinh lời nhiều hơn.

“Phong trào” tăng lãi suất được một số ngân hàng nhỏ khởi xướng bắt đầu từ cuối tháng 10, đầu tháng 11. Không chỉ tăng lãi suất huy động tại quầy, hiện nay, nhằm khuyến khích người dân gửi tiết kiệm trực tuyến (online) trong mùa dịch, các ngân hàng cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm online. Ví dụ VPBank áp dụng lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng với hình thức gửi online số tiền dưới 300 triệu cao hơn 0,8% gửi tại quầy. Lãi suất tiết kiệm online của Vietcombank cao hơn 0,1% so với gửi tiền tại quầy. Tương tự, VietinBank cũng cộng thêm cho khách 0,15% nếu gửi online…

Sang tháng 12, đà tăng lãi suất được một số ngân hàng tiếp nối, đặc biệt tại nhóm ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ. Theo đó, Ngân hàng SCB công bố biểu lãi suất huy động VND áp dụng từ tháng 12/2021 tăng ở một loạt kỳ hạn. Tương tự, tại GPBank, biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ ngày 8/12 ghi nhận mức tăng đồng loạt 0,3 điểm % so với tháng 11 ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Và cũng tương tự kiểu “nước nổi bèo nổi”, khi lãi suất truyền thống tăng, lãi suất gửi online của một số ngân hàng cũng đang được điều chỉnh tăng cao hơn đáng kể so với tiết kiệm thông thường.

Lãi suất huy động ngân hàng tăng trở lại -0
Lãi suất huy động dự đoán tiếp tục tăng trong đầu năm 2022.

Lãi suất tăng, tiền nhàn rỗi sẽ có thêm 1 kênh để sinh lời. Theo phân tích của các chuyên gia đến từ SSI Research, lãi suất tiền gửi tăng gần đây đến từ việc các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm về thanh toán cuối năm. Ngoài ra, theo SSI, tăng trưởng tín dụng tích cực cũng đang là nguyên nhân khiến các ngân hàng cần tiền hơn nên phải tăng lãi suất để hút khách. Cùng đó, áp lực lạm phát trong năm 2022 cao hơn và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm ngân hàng phải tăng trở lại.

Đồng quan điểm, trong báo cáo ngành ngân hàng mới phát hành, Chứng khoán VNDirect nhận định lãi suất tiền gửi sẽ tăng trở lại trong năm 2022. Theo VNDirect, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại do 3 yếu tố. Thứ nhất là nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng. Thứ hai là áp lực lạm phát trong năm 2022. Và cuối cùng là sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Theo đó, lãi suất tiền gửi sẽ tăng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm trong năm 2022. VNDirect dự đoán lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.

Còn với cơ quan quản lý cao nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, dư địa chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào những thách thức của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng huy động vốn của nền kinh tế rồi cho vay lại nền kinh tế, cho nên việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng chỉ giảm đến mức còn đủ thu hút được người gửi tiền. "Chúng tôi phải rất cân nhắc trong việc điều chỉnh lãi suất sao cho cân đối trong tương quan với lạm phát và lợi ích của người gửi tiền", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.

Thực tế, xu hướng tăng lãi suất diễn ra trong bối cảnh nguồn vốn huy động từ người dân sụt giảm mạnh trong quý III. Số liệu từ NHNN cho thấy, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng có xu hướng chậm lại trong nhiều tháng gần đây và bắt đầu chững lại từ tháng 7 năm nay. Vì thế, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, khi lãi suất huy động thấp, không ít người gửi tiền sẽ lựa chọn rút tiền khỏi ngân hàng, đầu tư vào vàng, chứng khoán, bất động sản… Trong khi đó, ngân hàng muốn có tiền cho vay phải duy trì được tiền gửi đầu vào ổn định. Cho nên, mặt bằng lãi suất huy động phải duy trì ở mức hợp lý để đảm bảo nguồn tiền gửi. "Chúng tôi không đặt vấn đề hạ lãi suất đầu vào thời điểm hiện nay. Vì phải đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng như quyền lợi người gửi tiền", ông Tú nói.

Hà An
.
.
.