Lãi suất cho vay xuống thấp nhất trong 20 năm

Thứ Năm, 04/01/2024, 08:08

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, cũng với sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức tín dụng (TCTD), lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Một số khoản vay chưa hạ lãi suất như mong muốn được cho là cũng sẽ hạ trong năm 2024.

Cấp vốn 1,5 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế

Tại cuộc họp báo sáng 3/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2023, NHNN đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022. "Có thể nói, đến thời điểm này, lãi suất cho vay đang xuống mức rất thấp bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kể cả lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên.

Anh_giao_dich_2_1-1704330595086.JPG
Nền kinh tế sẽ có thêm 2 triệu tỷ đồng vốn tín dụng trong năm 2024.

Mặt bằng lãi suất chung đã giảm xuống mức nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao. Nhưng chắc chắn, đến năm 2024 sẽ không còn duy trì được mức này nữa. Còn về mặt điều hành, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Trên thực tế, lãi suất huy động giảm rất sâu và nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay dù giảm, song không tương ứng và quá chậm. Giải thích về tình trạng này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn và 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung và dài hạn. "Dù lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong thời gian dài qua nhưng 50% dư nợ tín dụng lại nằm ở cho vay trung và dài hạn nên đương nhiên lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động", ông Quang nói.

Năm 2023, bên cạnh lãi suất tiền đồng, tỷ giá cũng được NHNN điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. "Giá trị VND tiếp tục được giữ vững. Ngay những quốc gia nằm trong G7, đồng tiền của họ mất giá 12-17% nhưng VND chỉ mất giá 2% là rất thấp", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Ngoài ra, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh...

"Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, thấp hơn không đáng kể so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng này, ngành ngân hàng đã đưa vào nền kinh tế khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tương đương đưa thêm vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2023, là con số không hề nhỏ” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Quyết liệt xử lý ngân hàng yếu kém, tín dụng “sân sau”

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2024, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, tương đương sẽ đưa thêm vào nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, NHNN sẽ tập trung kiểm soát tín dụng sân sau, kiểm soát việc dồn vốn cho một số tập đoàn, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%...

Về công tác xử lý các ngân hàng yếu kém, theo ông Đào Minh Tú, đến nay hệ thống ngân hàng được đảm bảo an toàn. Tất cả các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng SCB đang hoạt động ổn định. Riêng trường hợp SCB, ông Tú cho biết đây là lần đầu tiên có ngân hàng yếu kém quy mô lớn, do đó, NHNN sẽ xử lý từng bước. "Bước đầu chúng tôi đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng. Lộ trình năm 2024 sẽ quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém", ông Tú nói.

Làm sạch 42 triệu dữ liệu khách hàng theo Đề án 06

Đến hết tháng 11/2023, NHNN đã kết nối được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch 42 triệu hồ sơ khách hàng. 53 TCTD đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp thiết bị, giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ CCCD gắn chip; 48 TCTD đã và đang triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán. Trong đó có 9 TCTD đã triển khai thực tế; 13 TCTD báo cáo đang xây dựng giải pháp kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ ứng dụng VneID; 26 TCTD đang phối hợp với C06 để triển khai khóa đào tạo nhận biết căn cước công dân thật, giả; 14 TCTD đã liên hệ với C06 để tìm hiểu thông tin về triển khai giải pháp chấm điểm tín dụng.

Hà An
.
.
.