Trái phiếu doanh nghiệp - Không để trái lề

Kỳ cuối: Ngăn chặn những quả “bom trái phiếu nổ chậm”

Thứ Ba, 12/04/2022, 07:23

Để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, không trở thành “bom nổ chậm” trên thị trường tài chính, các cơ quan chức năng cũng đã ráo riết kiểm soát, bổ sung, sửa đổi quy định để thích ứng, nhằm ổn định thị trường, giúp lành mạnh và minh bạch, an toàn hơn. Song, để đạt được hiệu quả, chỉ quản lý thôi chưa đủ mà cần có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của chính các bên tham gia.

Cải thiện kỹ năng thành viên tham gia thị trường

Nhận xét về thị trường TPDN của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - nhận định, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của thị trường rất mạnh mẽ, nhưng nền tảng cơ sở lại chưa kịp đáp ứng. Nếu “lỗ hổng” thị trường không được vá lấp kịp thời thì tình trạng che giấu, công bố thông tin sai sự thật trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ như trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua sẽ còn tiếp diễn.

Chẳng hạn, nhìn từ phía nhà phát hành, rất nhiều DN đua nhau phát hành trái phiếu kể cả các DN quy mô nhỏ và vừa không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản bảo đảm và thông tin DN cũng chưa được vững chắc. Khối lượng phát hành TPDN liên tục “leo dốc” nhưng độ bền vững thì chưa có, nguy cơ trở thành thị trường rủi ro rất lớn. Về phía nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, vẫn còn tâm lý đầu tư theo tính “bầy đàn”. Trong khi đó, việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm DN phát hành vẫn còn rất hạn chế.

“Rõ ràng, nhìn từ nhiều phía thì sự sẵn sàng về pháp lý, về thông tin, về trình độ chưa bảo đảm cho phát triển bền vững của thị trường TPDN”, chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhấn mạnh và khuyến nghị cùng với nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý, cần cải thiện kiến thức, kỹ năng của tất cả các thành viên tham gia thị trường TPDN.

Trái phiếu doanh nghiệp - Không để trái lề (kỳ cuối) -0
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh thị trường TPDN phát triển lành mạnh, minh bạch.

Cùng cho rằng cần phải “nâng cấp” nhà đầu tư, tổ chức phát hành và trung gian, ông Đỗ Ngọc Quỳnh- Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) - đề xuất nhà đầu tư cá nhân cần có thêm những giải pháp để xác định được nhà đầu tư chuyên nghiệp một cách chuẩn hơn. Thứ hai, với DN phát hành trái phiếu, nếu làm đúng pháp luật thì vẫn nên khuyến khích tạo điều kiện nhưng phải minh bạch.DN làm đúng pháp luật vẫn có thể phá sản vì có thể những tính toán của họ về thị trường không phù hợp.Còn DN nào cố tình lừa đảo để huy động vốn thì phải xử lý mạnh. Thứ ba, với tổ chức trung gian, phải có sổ tay chuẩn mực phát hành của DN để khi bán sản phẩm mà có rủi ro thì phải có một bản mô tả rõ rủi ro, yêu cầu nhà đầu tư ký và ghi rõ “tôi đã đọc đã hiểu và cam kết chấp nhận toàn bộ rủi ro của trái phiếu”.

Về vấn đề nâng cao kỹ năng của các bên tham gia thị trường, không chỉ các chuyên gia mà chính cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cũng thường xuyên cảnh báo rủi ro và đưa ra các khuyến nghị đối với từng đối tượng tham gia theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Theo đó, Bộ Tài chính khuyến nghị để tránh rủi ro, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu DN phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của DN phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của DN; mục đích phát hành trái phiếu; tài sản đảm bảo của trái phiếu; đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của DN phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không. Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Đối với các DN huy động TPDN với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính của DN là rất rủi ro khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì DN sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Bộ Tài chính cảnh báo các DN phát hành cần lưu ý việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Tương tự, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để DN phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ chào mời, phân phối TPDN cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm minh.

Mạnh tay xử phạt, bịt lỗ hổng pháp lý

Thực tế, thời gian qua, trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phát triển nóng, Bộ trưởng Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN. Theo đó, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các DN phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai DN là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS.

Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. “Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, đây là bước đi được cho là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường TPDN trong dài hạn. Ở một khía cạnh khác sự kiện này là cơ hội để các sản phẩm TPDN chất lượng khẳng định được độ tín nhiệm với các nhà đầu tư.

Nhìn chung, các động thái gần đây của các cơ quan quản lý với các sai phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán sẽ góp phần thanh lọc thị trường, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói riêng và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung”, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Ngoại thương nhận định.

Được biết, UBCKNN đang khẩn trương xây dựng sàn mua bán trái phiếu thứ cấp, kỳ vọng sẽ ra mắt cuối năm nay. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN để siết lại chất lượng trái phiếu.

Bộ Tài chính thì khẳng định tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý giám sát để phát triển thị trường TPDN an toàn, hiệu quả. Theo đó, sẽ thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và DN phát hành; đồng thời, hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; mặt khác, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; và bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ cũng đã có công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN, trong đó nêu rõ quyết tâm chấn chỉnh thị trường, không để TPDN trái lề. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn TPDN đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó chú ý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN bất động sản, các DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng.

Ngoài ra, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường TPDN và phát hành, đầu tư TPDN để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường TPDN, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn; có chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định pháp luật…

“Để có thị trường TPDN có nền tảng phát triển ổn định thì việc trước tiên cần làm phải minh bạch, càng minh bạch rủi ro càng thấp. Thứ 2 là luật lệ phải được thực hiện nghiêm túc giúp giảm rủi ro cho thị trường, nhà đầu tư. Thứ 3 là phải có thị trường TPDN thứ cấp để tăng tính thanh khoản của trái phiếu, để dù nhà đầu tư có mua trái phiếu 15 năm thì vẫn bán được bất cứ lúc nào”. ( TS Lê Xuân Nghĩa).

Hà An
.
.
.