Kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Việt Nam ngăn ngừa biến đổi khí hậu

Thứ Ba, 28/06/2022, 16:11

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. 

“Đây chính là hệ lụy của mô hình phát triển tuyến tính (khai thác tài nguyên - sản xuất - tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường) thiếu bền vững trong hơn 150 năm qua của nhân loại. Liên Hợp Quốc cảnh báo, đến năm 2030, nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Nếu hành động chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo trái đất có thể sinh sống được và duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

2806ktth.jpeg -0
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. Vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn đã nêu rõ trong Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên liệu, vật liệu kéo dài vòng đời sản phẩm; Hạn chế chất thải phát sinh và giải thiểu tác động tiêu cực đến mô trường.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế.

"Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, chúng ta có thể tin tưởng rằng có thể sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi", Bộ trưởng khẳng định.

Cũng tại sự kiện quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức khai trương Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ: "Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam mà việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai".

2806ktth2.jpeg -0
Trưởng đại diện thường trú UNDP, bà Caitlin Wiesen khẳng định, UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Bà Caitlin Wiesen cũng thông tin, cam kết phát thải ròng bằng không được đưa ra bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 ở Glasgow và việc giới thiệu định nghĩa về 'nền kinh tế tuần hoàn’ trong Luật Bảo vệ Môi trường (LEP) sửa đổi đều đánh dấu nền tảng trong quá trình chuyển đổi bền vững của Việt Nam. Với những cam kết này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 70 quốc gia cam kết giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta. Bà Caitlin Wiesen khuyến nghị, để đạt tới một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm, carbon thấp và đạt được mức phát thải ròng bằng không, Việt Nam cần giảm nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, xanh, carbon thấp.

“Tại UNDP, chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng tầm nhìn xa hơn về sự phục hồi kinh tế xanh, một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm và các-bon thấp để thực hiện phát thải ròng bằng không vào năm 2050. UNDP kêu gọi tất cả các đối tác của chúng tôi tham gia cùng nhau và thực hiện sứ mệnh này”, bà Caitlin Wiesen khẳng định.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết một số giải pháp, nhiệm vụ sẽ được triển khai trong thời gian tới gồm: Kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilong) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Ngoài ra, phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải. Thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn.

Chi Linh
.
.
.