Kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép phớt lờ dịch bệnh

Thứ Năm, 11/04/2024, 05:43

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cúm gia cầm trên người, trong đó 1 trường hợp tử vong. Đáng chú ý là ca mắc cúm gia cầm A/H9N2 trên người đầu tiên được phát hiện đã khiến người dân không khỏi lo lắng. Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, tuy nhiên, tình trạng giết mổ gia cầm sống tự phát tại các chợ cóc, chợ dân sinh, khu dân cư vẫn diễn ra, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh cho con người.

Nhiều người vẫn thờ ơ với bệnh cúm gia cầm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND vào sáng 9/4, tại chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra bình thường. Trong chợ, có 5 hàng kinh doanh gia cầm sống, hàng chục con gia cầm được đựng trong lồng, người kinh doanh đon đả mời chào khách mua.

gia ca^`m 4.jpg -0
Gia cầm sống giết mổ ở chợ Gia Lâm, Hà Nội nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Người bán giết mổ ngay tại chỗ, vì là mùng 1 âm lịch nên hoạt động mua bán khá sôi động. Mặc dù TP Hà Nội từ lâu đã ban hành quy định cấm chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong các quận nội thành, mà phải đưa vào lò mổ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng hoạt động giết mổ ngay tại chợ dân sinh Nghĩa Đô vẫn diễn ra nhiều năm nay. Vào những ngày lễ, rằm, Tết, do số lượng giết mổ nhiều nên khu vực này rất mất VSATTP và là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Ngay bên cạnh chợ Nghĩa Đô là chợ cóc dọc ngõ 127 Lạc Long Quân, tình trạng buôn bán và giết mổ gia cầm sống diễn ra ngang nhiên ngay tại nhà dân. Gia cầm nhốt đầy trong lồng, người bán giết mổ trở tay không kịp khi khách mua đông. Tình trạng tương tự diễn ra tại một số chợ cóc ở phường Bưởi và phường Xuân La, quận Tây Hồ. Tại chợ cóc ở phường Bưởi tồn tại quanh năm tình trạng buôn bán và giết mổ gia cầm sống. Gà được giết mổ ngay tại khu dân cư, nước thải, chất thải của gia cầm ngổn ngang.

Chợ Gia Lâm, quận Long Biên những ngày này hoạt động giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ vẫn diễn ra như bình thường. Các loài gia cầm sống như gà, vịt, chim bồ câu... được nhốt trong các lồng sắt. Các tiểu thương tiến hành giết mổ gia cầm sống ngay tại chỗ khi khách hàng có nhu cầu. Cắt tiết, vặt lông... tất cả các công đoạn được thực hiện ngay ở diện tích nhỏ hẹp rất mất vệ sinh.

Trong quá trình giết mổ làm phát sinh lông, máu, nội tạng, nước thải chảy lan ra khu vực xung quanh, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Không những thế, gà, vịt sau khi giết mổ không được cơ quan chức năng kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Khi được hỏi về việc có biết cúm gia cầm đang bùng phát hay không và bệnh dịch này lây từ gia cầm sang người, vừa thoăn thoắt thịt gà, một tiểu thương xua tay và lắc đầu. Chợ Gia Lâm có vài hộ chuyên kinh doanh gia cầm. Hoạt động giết mổ gia cầm tại chỗ theo yêu cầu của khách vẫn được các cửa hàng này thực hiện từ sáng đến tối.

Điều đáng nói khi hỏi một số người bán hàng về 2 ca mắc cúm gia cầm vừa qua và mối nguy lây lan dịch bệnh khi giết mổ tự phát, các tiểu thương gần như “không quan tâm” hoặc lắc đầu kêu “không biết”. Cúm gia cầm đã lây lan sang người và lần đầu tiên Việt Nam phát hiện ca mắc cúm gia cầm A/H9N2, song theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ giết mổ trái phép, người kinh doanh còn rất “vô tư” không thực hiện các biện pháp phòng hộ. Với lượng chất thải, nước thải thải ra môi trường mỗi ngày từ việc giết mổ gia cầm trái phép nêu trên, nếu có dịch cúm gia cầm xảy ra, nguy cơ lây lan sang người là hiện hữu.

Không quyết liệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh

Từ thực tế ghi nhận được, phóng viên Báo CAND đã đến Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Tây Hồ để tìm hiểu về công tác kiểm soát và kiểm dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được câu trả lời, phải liên hệ với Chi cục Thú y Hà Nội hoặc UBND quận Tây Hồ và được sự đồng ý thì lãnh đạo Trạm mới trả lời. Song, theo Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Tây Hồ, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn quận chưa ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm nào. Trước đó, UBND phường Xuân La cũng đi kiểm tra và xử phạt một số hộ kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc. Còn vì sao vẫn để tình trạng giết mổ gia cầm sống tại chợ cóc, chợ tạm thì vẫn chưa có câu trả lời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại mỗi chợ, vào đầu giờ sáng, có cán bộ thú y kiểm tra hợp đồng mua bán, hoá đơn mua bán của các hộ kinh doanh gia cầm để chứng minh nguồn gốc của gia cầm. Gia cầm khi vào lò giết mổ phải được kiểm soát về nguồn gốc, tuy nhiên, không phải lò giết mổ nào cũng có quy trình giết mổ, mà trên thực tế có những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, có thể bị trà trộn gia cầm không rõ nguồn gốc. Vì vậy, việc kiểm soát gia cầm tại chợ là rất quan trọng. Nếu cán bộ thú y chỉ kiểm soát theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, không yêu cầu tiểu thương xuất hoá đơn mua bán thì rất dễ bỏ lọt gia cầm không rõ nguồn gốc. Tình trạng “thả nổi” này diễn ra thường xuyên nên mới có hiện tượng gia cầm sống vô tư giết mổ ở chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm.

Quản lý giết mổ vẫn là vấn đề đáng quan ngại tại Hà Nội. Theo thống kê, toàn TP hiện có 730 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng trong số này chỉ có 8 cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp, 57 cơ sở giết mổ quy mô bán công nghiệp; còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong 730 cơ sở giết mổ, hiện cũng chỉ có 106 cơ sở được UBND cấp huyện cấp phép hoạt động. Hiện Hà Nội còn trên 1.047 cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó gần 1.000 cơ sở hoạt động tự phát chưa được các cấp chính quyền địa phương cho phép nên chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y. Theo một cán bộ thú y cho biết, việc kiểm tra thường được thực hiện bởi liên ngành và các đợt ra quân của UBND phường. Tuy nhiên, việc giám sát, kiểm tra chưa kiên quyết, dẫn đến giết mổ trái phép vẫn kéo dài. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm gia cầm A/H5N1 lây sang người là virus cúm có độc lực cao, gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong lớn. Virus cúm A/H9N2 cho đến nay được xác định trên toàn thế giới ở các loài chim và gia cầm hoang dã đều có khả năng gây bệnh thấp, nhưng phải đề phòng vì các chủng virus rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc vẫn chủng đó nhưng biến đổi, có độc lực cao hơn, lây lan nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, coi thường công tác phòng dịch mà giết mổ gia cầm khi chưa được cấp phép, nhất là người giết mổ cho rằng gia cầm khoẻ mạnh nên không áp dụng các biện pháp phòng hộ (đeo khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm). Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh gia cầm để làm tốt công tác phòng, chống dịch, không lây lan sang người.

Theo quy định tại khoản 4, điểm b khoản 13 Điều 20 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm C khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP, khoản 2 Điều 3 Nghị định 04/2020/NĐ-CP vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh, hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với cá nhân và từ 12 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với tổ chức.

Hằng Hương
.
.
.