Kiến nghị không bổ sung sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi

Chủ Nhật, 28/05/2023, 07:16

Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài Chính, không bổ sung sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Sữa Việt Nam, khi dự thảo Luật Giá sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến vào ngày 9/6/2022, VDA nhận thấy dự thảo vẫn tiếp tục tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, danh mục hàng hóa phải bình ổn giá vẫn là các danh mục hàng hóa như Luật Giá hiện hành, chỉ sửa đổi một số điểm để dễ thực thi hơn. 

cao tuoi.jpg -0
Nhiều Hiệp hội đề nghị không bổ sung sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi.

Tuy nhiên, ngày 15/5/2023, báo chí đăng tin Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nhất trí với danh mục hàng hóa phải bình ổn giá mới, trong đó bổ sung thêm mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi để chuẩn bị thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào cuối tháng 5/2023.

Theo VDA, việc đưa thêm mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá là rất bất hợp lý và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi với các doanh nghiệp (DN) ngành sữa. Sữa chỉ là một phần nhỏ  trong chế độ ăn đa dạng của người lớn. Ở Việt Nam, lượng sữa bình quân tiêu thụ  của mỗi người ít hơn nhiều so với các nước phát triển.

Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo người trên 70 tuổi mỗi ngày nên dùng 4 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa (gồm sữa nước, sữa chua và phô mai). Nếu quy toàn bộ ra sữa nước thì tương đương 400ml, cung cấp khoảng 280kcal trong 2000 kcal cơ thể cần mỗi ngày, tức chỉ 14% năng lượng cần thiết mỗi ngày. Đó là mục tiêu Việt Nam đang phần đấu hướng tới.

Trên thế giới chưa có tổ chức hay quốc gia nào phân loại sữa dành cho người cao tuổi cũng như không kiểm soát giá các mặt hàng sữa cho người lớn. Các loại sữa đều sử dụng được cho mọi lứa tuổi (trừ trẻ nhỏ sử dụng sữa công thức - dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi). Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản pháp lý quy định sữa là mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, đưa sữa nói chung và sữa cho người cao tuổi vào danh mục hàng hóa bình ổn giá là không phù hợp.

Đại diện FFA, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội cũng cho rằng, việc bổ sung thêm mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá (khi chưa lấy ý kiến của các DN chịu tác động) là rất bất hợp lý và không theo đúng quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Tương tự, EuroCham cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ loại bỏ mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi khỏi danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật giá sửa đổi vì 5 lý do: Thứ nhất, không phù hợp về khoa học và quản lý rủi ro; Thứ 2, ảnh hưởng xấu đến sản xuất  - kinh doanh; Thứ 3, không theo quy trình  xây dựng văn bản pháp luật; Thứ 4, thiếu cơ sở pháp lý; Thứ 5, không theo định hướng kinh tế thị trường.

T.Hà
.
.
.