Kiến nghị khẩn dừng thu phí hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 06/04/2022, 08:06

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ban 4 cho biết, Đề án “Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” đã được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua ngày 9/12/2020. Sau giai đoạn ngắn trì hoãn thu do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần 4 tại Việt Nam, ngày 29/3, UBND TP Hồ Chí Minh có Thông báo số 43/TB-UBND quyết định áp dụng thu phí kể từ 1/4.

Kiến nghị khẩn dừng thu phí hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh -0
Doanh nghiệp cho rằng mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh là cao và thời điểm thu phí chưa phù hợp.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho thấy, tổng khối lượng hàng container thông qua khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh năm 2021 là 7.956.133 TEU, chiếm khoảng 43,3% cả nước (18.359.845 TEU), chưa kể hàng lỏng, hàng rời. “Với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như hiện nay, số lượng DN chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là đặc biệt lớn”, Ban 4 cho biết.

Chính vì vậy, sau quyết định này của UBND TP Hồ Chí Minh, Ban IV cho biết đã tiếp nhận phản ánh từ hàng chục hiệp hội gồm: Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hóa Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam… cũng như khối DN FDI tại Đồng Nai, Bình Dương.

Trong kiến nghị lên UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh, các hiệp hội và DN cho rằng mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh là cao và thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của DN ngay sau đại dịch.

Bên cạnh đó, việc thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất đã cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ các hàng hoá này và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, DN cho rằng, mức thu chênh lệch giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP Hồ Chí Minh và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận là không phù hợp với pháp luật về Hải quan, phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các DN tại các tỉnh lân cận khiến các DN này có xu hướng đổ dồn về TP Hồ Chí Minh để mở tờ khai, gây ách tắc, quá tải khi thông quan hàng tại các cảng TP Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Ban 4, các bất cập nêu trên đã và đang tạo ra một số hệ lụy không nhỏ, vừa ảnh hưởng tới hoạt động trực tiếp của DN, vừa tác động tiêu cực tới một số mục tiêu của nền kinh tế và các mặt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như khâu thực thi pháp luật trong hệ thống các cơ quan hành pháp.

Trước thực tế trên, Ban 4 và các hiệp hội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh nghiên cứu bài toán lợi ích của địa phương phải được cân nhắc sau bài toán chung của quốc gia. DN, hiệp hội đề nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho DN và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn, DN cũng đã cơ bản phục hồi, Ban 4 cho rằng, lúc này nếu có xem xét triển khai thu phí thì mức phí được ban hành phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan. Theo đó, mức thu phải trên cơ sở minh bạch nguồn đầu tư trước đó, thu để bù đắp một phần đầu tư thay vì thu để đầu tư xây dựng các hạ tầng khác của TP, thu công bằng giữa các chủ thể sử dụng hạ tầng thay vì phân biệt như hiện nay theo địa điểm mở tờ khai thông quan.

Phan Đức
.
.
.