Kiểm tra, xử lý sách giả, sách lậu trước năm học mới

Thứ Bảy, 24/08/2024, 07:11

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh buôn bán sách giáo khoa (SGK), sách tham khảo, các loại truyện tranh, các loại đồ dùng học tập giả mạo về nhãn hiệu, kém chất lượng diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà xuất bản, các doanh nghiệp, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước...

Đặc biệt, sách giáo khoa giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, bởi, những sản phẩm này thường có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung như đường nét biên giới, vấn đề biển đảo, ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.

Kiểm tra, xử lý sách giả, sách lậu trước năm học mới -0
Công an tỉnh Hậu Giang và Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang bắt quả tang cơ sở tàng trữ sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như một số nhà xuất bản khác. Nổi bật là vụ việc, phát hiện gần 80.000 quyển SGK giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang; thu giữ 34.000 quyển SGK giả mạo nhãn hàng hóa tại Đồng Nai; phát hiện, thu giữ 5.500 quyển SGK vi phạm tại Tây Ninh.

Qua theo dõi, giám sát, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang xác định địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh SGK không số nhà, không treo gắn bảng hiệu, nằm ẩn sâu trong khu dân cư vắng, ít người qua lại tại đường số 1, khu dân cư Tây Đô EcoPark, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Ngày 16/7, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Hậu Giang, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Cần Thơ, các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra địa điểm nghi vấn này.

Địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh SGK không số nhà, không treo gắn bảng hiệu tại đường số 1, khu dân cư Tây Đô EcoPark, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Chủ cơ sở được xác định là ông N.P.L. (thường trú tại Thới Tân B, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Ông L. không cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tại đây, Đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở của ông L. chứa trữ hàng hóa là SGK có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ông L. cũng không cung cấp được hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa. Qua 2 ngày kiểm đếm, phân loại số lượng, chủng loại, Đoàn kiểm tra ghi nhận có 79.103 quyển SGK các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên SGK là hơn 1,3 tỷ đồng.

Chiều 20/8, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP Cần Thơ và Đội 2 Phòng An ninh chính trị nội bộ thuộc Công an TP Cần Thơ tiến hành giám sát, tiêu hủy 829 bản xuất bản phẩm (truyện tranh) không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp của Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển giáo dục C.L. (địa chỉ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) do bà V.T.P. làm Giám đốc. Đây là tang vật tại bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tại trụ sở Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển giáo dục C.L. và 3 địa điểm kinh doanh của công ty cùng đóng trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), vào ngày 16 và 17/7.

Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP Cần Thơ đã lập biên bản và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển giáo dục C.L. tổng số tiền phạt là: 140,5 triệu đồng. Đồng thời, buộc công ty này phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: buộc gắn tên địa điểm kinh doanh; buộc tiêu hủy 829 bản xuất bản phẩm vi phạm.

Trên thị trường sách giả, sách lậu được bày bán trà trộn vào cả sách thật nên người mua khó nhận dạng, phân biệt. Cơ quan Công an phối hợp với QLTT đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các loại SGK, vở bài tập, sách tham khảo với những dấu hiệu phân biệt thật - giả về màu sắc, hình ảnh, khổ sách, định lượng giấy, nội dung, tem chống giả và mã thẻ cào... giúp người tiêu dùng, các em học sinh, các bậc phụ huynh trang bị những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện đúng sách để đảm bảo quyền lợi của mình.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, việc nhận diện sách thật - sách giả cần có sự đối chiếu bởi sách giả đôi khi có những sai lệch nhỏ như màu sắc không được đúng như sách thật, giấy của sách in lậu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, độ sáng cũng khác.

Do đó, người dùng có thể căn cứ vào những đặc điểm đó để nhận diện. Phụ huynh học sinh và giáo viên khi mua sách, cần mua sách ở hệ thống các cửa hàng bán SGK của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, các đơn vị thành viên, đối tác phát hành của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc. Tất cả hệ thống cửa hàng sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố trên trang thông tin điện tử của Nhà Xuất bản Việt Nam.

Trần Lĩnh
.
.
.