Kiểm tra, xử lý nhiều loại tân dược giả

Chủ Nhật, 23/04/2023, 08:40

Trong quý I/2023, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra phát hiện 714 vụ vi phạm (tăng 436 vụ, tăng 156,83% so với cùng kỳ năm trước). Nổi cộm nhất, hàng vi phạm là các mặt hàng thời trang, thuốc lá thế hệ mới, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng…, trong đó, nhiều vụ có dấu hiệu tội phạm chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự.

Gần đây nhất, ngày 20/4, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an phường Bến Thành, quận 1, kiểm tra tại hộ kinh doanh Mạnh Long (phường Bến Thành, quận 1) do bà V.T.T. Vân làm đại diện.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại đây đang kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam và đã tạm giữ 305 gọng và mắt kính hiệu Dior, Guci, Chanel (made in Italy và một số không ghi xuất xứ), với trị giá 85,5 triệu đồng. Toàn bộ số hàng trên được mua từ nguồn hàng trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ.

Kiểm tra, xử lý nhiều loại tân dược giả -0
Hàng gian, hàng giả bị lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện.

Ngày 15/4, Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, kiểm tra tại nhà không số đường Phạm Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, do ông Nguyễn Văn Tâm là chủ hộ kinh doanh, tạm giữ 1.640 quần kaki may sẵn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Under Armour đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết hơn 217 triệu đồng.

Ngày 6/4, Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra địa điểm kinh doanh Trung tâm khu vực 3 - Công ty TNHH Một Thành Viên Logistics Viettel (địa chỉ phường Trung Mỹ Tây, quận 12), phát hiện hàng hóa ngoại nhập các loại không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, gồm: 6.877 điếu xì gà các loại; 74.400 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em, không có dấu hợp quy CR, không có tài liệu chất lượng hàng hóa; 700 hộp thực phẩm bổ sung hiệu BITNEY Multi Juice, xuất xứ Malaysia và 6 chai rượu hiệu JOHNNIE WALKER Blue Label, xuất xứ Scotland. Toàn bộ hàng hóa nêu trên chưa xác định được chủ sở hữu, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Theo Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong quý I/2023, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra phát hiện 714 vụ vi phạm, đã xử lý 684 vụ với số tiền phạt hành chính gần 12,7 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm có tổng trị giá hơn 22,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngoài mặt hàng thuốc lá điếu thì thuốc lá thế hệ mới không chỉ rao bán ở thị trường thương mại truyền thống mà ở cả thương mại điện tử. Các đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 18 vụ vi phạm, tạm giữ 1.298 bao thuốc lá điếu, 2.011 sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 437 triệu đồng.

Với mặt hàng thực phẩm, có 94 vụ vi phạm bị phát hiện với số hàng bị tạm giữ 79.014 đơn vị sản phẩm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2,5 tỷ đồng. Riêng các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, QLTT kiểm tra xử lý 87 vụ, đã tạm giữ 199.542 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, tân dược các loại và 1.247kg dược liệu các loại.

Theo đánh giá của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong số các vụ vi phạm bị phát hiện trong 3 tháng đầu năm nay thì số vụ vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm nhiều nhất với 262 vụ, tạm giữ 322.616 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 7,4 tỷ đồng. Tiếp đến là hàng nhập lậu 201 vụ. Cơ quan chức năng cũng đã tạm giữ 254.335 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 7,5 tỷ đồng. Còn hàng giả bị phát hiện chủ yếu ở các trung tâm thương mại, tuyến đường phố, với 167 vụ, 35.538 đơn vị sản phẩm bị tạm giữ, chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, hàng điện tử, phụ kiện điện thoại di động, đồng hồ,… với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Ngoài ra, xác định tân dược là loại hàng hóa đặc biệt, có tính kỹ thuật, kinh tế và xã hội cao, cần thiết không thể thiếu trong việc chẩn đoán, dự phòng và điều trị nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, trong thời gian tới QLTT TP Hồ Chí Minh cũng sẽ chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2023-2024. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ..., đặc biệt chú ý đến "chợ thuốc tây" nổi tiếng nhất ở TP Hồ Chí Minh (đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10).

Hiện "chợ thuốc tây" có 280 quầy thuốc của 147 công ty kinh doanh dược phẩm, 6 công ty kinh doanh dụng cụ y tế và đơn vị buôn bán, thực phẩm chức năng… Từ tháng 12/2022 đến nay, qua kiểm tra Đội QLTT số 10  đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 điểm kinh doanh tại đây với 11 hành vi vi phạm gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là tân dược; không gắn tên địa điểm kinh doanh tại địa điểm kinh doanh; không niêm yết công khai giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở; không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp… Tổng số tiền thu phạt là 180 triệu đồng. Đồng thời, Đội QLTT số 10 đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 200 đơn vị sản phẩm tân dược vi phạm.

T.Hà
.
.
.